Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành y tế phải thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) thực hiện trích xuất dữ liệu, kết nối, liên thông dữ liệu giữa các BV sẽ hoàn thành trước ngày 30-6.
TS. Lưu Thị Liên, Phó GĐ Sở Y tế Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế về chuẩn bị kịp tiến độ “ấn nút” kết nối liên thông toàn bộ hệ thống khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế trước ngày 30-6, ngành y tế Hà Nội đã có các văn bản chỉ đạo tất các cả đơn vị khám chữa bệnh trong toàn ngành chuẩn bị cơ sở vật chất cũng như nhân lực, trang thiết bị y tế; Phối hợp với BHXH tập huấn cho cán bộ trực tiếp làm CNTT để chuẩn bị thanh quyết toán; Tiến hành thành lập các tổ CNTT để phối hợp với các BV, cơ sở khám chữa bệnh khảo sát, đánh giá việc thực hiện ứng dụng CNTT…
Qua đánh giá, kiểm tra, khảo sát việc chuẩn bị cho công việc này cho thấy: Hiện nay tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP đã thực hiện kế hoạch ứng dụng CNTT, có phòng, trang thiết bị, nhân lực chuẩn bị thực hiện xem xét gắn mã số liệu, danh mục kỹ thuật theo các quy định của Bộ Y tế và của TP. Hiện nay các BV đã thực hiện nhiệm vụ trích xuất số liệu để phục vụ thanh quyết toán BHYT.
TS. Lưu Thị Liên, Phó GĐ Sở Y tế Hà Nội: Có sự phấn đấu quyết tâm của cả hai bên y tế và BHXH thì sẽ đạt đúng tiến độ. Ảnh: T.An
Tại BVĐK huyện Hoài Đức, việc chuẩn bị kết nối liên thông toàn bộ hệ thống khám chữa bệnh tại BV đã áp dụng từ năm 2015. Thời điểm này BV đã có tổ công nghệ thông tin (CNTT) tại khoa lâm sàng, bệnh nhân đã lấy số tự động. Trên cơ sở đó, tháng 4-2016 đã kết nối với cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) và hoàn chỉnh. Tháng 5 vừa qua có thêm phần gắn mã danh mục kỹ thuật, thuốc… mới. Hiện BV đang tiến hành gắn mã mới. Đối với những danh mục không có trong trong thông tư chúng tôi đang dò tìm còn những mã đã có chúng tôi đã gắn và trích xuất thanh toán trên mạng cho bệnh nhân.
Theo Bác sỹ Đỗ Văn Vy, GĐ BVĐK Quốc Oai, để chuẩn bị đúng tiến độ kết nối liên thông trước ngày 23-6, BV đã cử cán bộ tham gia tập huấn cho về CNTT, trang bị máy móc, phương tiện. Sau đó gắn mã và kết nối với BHXH huyện, TP.
Đánh giá về những hiệu quả khi ứng dụng CNTT vào quản lý khám chữa bệnh, ThS-bác sỹ Đặng Đức Hoàn, GĐ BVĐK Hoài Đức cho biết: Việc áp dụng CNTT vào khám chữa bệnh có thuận lợi là bác sỹ sẽ nắm được tất cả bệnh nhân đến khám, cảnh báo việc bệnh nhân tự ý chuyển đến các phòng khám, chạy đến các phòng khám khác nhau. Bệnh nhân muốn đi khám nhiều phòng khám phải có chỉ định bệnh lý ấy mới được khám, chỉ có một mã bệnh nhân nên cảnh báo trên toàn BV bệnh nhân đó đã khám chưa, nên không xảy ra trục lợi, lạm dụng để lấy thuốc. Đồng thời, giảm tải cho bác sỹ trong ghi chép, làm trên máy, bỏ được sai sót quá trình làm, đặc biệt trong tờ trình không còn sai sót.
“Chúng tôi quản lý xét nghiệm bằng máy, chuyển kết quả cho bác sỹ qua máy tính ngay khi có kết quả chứ không cần thiết phải in lên trả xuống, nhờ thế thời gian dành cho bệnh nhân khám chữa bệnh sẽ lâu hơn. Sau khi có kết quả 5 phút, bác sỹ ký kết quả xong sẽ chuyển dữ liệu xét nghiệm lên khoa xét nghiệm. Chỉ sau một phút các khoa cấp cứu, khám bệnh, lâm sàng nhận được kết quả và ra đơn thuốc, giảm được số lượng người làm và giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân…”, ThS. Hoàn chia sẻ.
Về những khó khăn trong thực hiện việc kết nối liên thông, ThS. Hoàn cho rằng khó khăn duy nhất để thực hiện kết nối liên thông là chưa có định danh ngoài Thông tư 37 và 43. Chung ý kiến này, bác sỹ Đỗ Văn Vy, GĐ BVĐK Quốc Oai cho biết, khó khăn trong thực hiện kết nối liên thông toàn bộ hệ thống khám chữa bệnh là giữa các Thông tư hướng dẫn chưa thống nhất về mã. BHYT hiện nay có các mức hưởng khác nhau, 80%, 90% có những bệnh nhân không có BHYT khiến phầm mềm của kế toán thanh toán vất vả. Thông tư 37 mới chưa điều chỉnh hết các lĩnh vực nên việc điều chỉnh chưa đúng, mắc cho kế toán và các khoa rà soát theo từng danh mục theo các hướng dẫn khác nhau. Đề nghị Bộ Y tế sớm có mức giá chung thống nhất giữa các BV để thanh quyết toán thuận trong toàn quốc… Tuy nhiên, đến 30-6 hoàn thành kết nối liên thông với BHXH chúng tôi sẽ làm được, bác sỹ Vy khẳng định.
Bày tỏ quan điểm về việc hoàn thành “ấn nút” kết nối liên thông toàn bộ hệ thống khám chữa bệnh đúng thời điểm, TS. Lưu Thị Liên cho rằng: Theo văn bản chỉ đạo của BHXH Việt Nam cũng như Bộ Y tế thì BHXH Việt Nam chịu trách nhiệm giúp đỡ, hướng dẫn cho các cơ sở khám chữa bệnh trong vấn đề trang thiết bị, khảo sát để nối mạng, đưa số liệu mà các cơ sở đã có mã vào hệ thống CNTT trong cả nước và kết nối. Hiện nay một số BV đã đưa ra chạy thử, nhưng đến nay vẫn nay chưa kết nối được phần mềm giữa hai bên.
Tuy nhiên, nếu có sự phấn đấu quyết tâm của cả hai bên y tế và BHXH thì sẽ đạt được. Hiện Hà Nội có 13 cơ sở thực hiện xong kết nối, các cơ sở còn lại chúng tôi giao cho tổ CNTT đến từng BV xem xét xem khó khăn đến đâu để kịp thời hỗ trợ. Việc chuẩn bị vẫn đang được gấp rút thực hiện, các BV đang thực hiện gắn mã và chuyển về BHXH, TS. Liên cho biết.
Hiện nay có hơn 3.400 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc đã trích xuất được dữ liệu điện tử đầu ra phục vụ yêu cầu thanh toán BHYT sẵn sàng chuyển đến cơ quan BHXH từ ngày 30-6. Để hoàn thành việc ứng dụng CNTT trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán BHYT theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành chuẩn dữ liệu đầu ra của phần mềm quản lý khám chữa bệnh, ban hành bộ mã dùng chung gồm 8 danh mục: Dịch vụ kỹ thuật (4.889 dịch vụ); thuốc tân dược (20.000 mục); vật tư tiêu hao; thuốc và vị thuốc y học cổ truyền (547 chế phẩm và 349 vị); bệnh y học cổ truyền (1.000 bệnh); bệnh theo ICD X; máu và chế phẩm máu; cơ sở khám chữa bệnh. |
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo phapluatxahoi.vn)