3 chủ thể bắt buộc phải mua bảo hiểm công trình
Theo Dự thảo, 3 chủ thể bắt buộc phải mua bảo hiểm đầu tư xây dựng, đó là chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn và nhà thầu thi công. Cụ thể, chủ đầu tư phải mua bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng đối với công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng, môi trường, công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp; Nhà thầu tư vấn phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng đối với công việc khảo sát, thiết kế của công trình xây dựng từ cấp II trở lên; Nhà thầu thi công xây dựng phải mua bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường”.
Cần nhắc lại, không phải cho đến nay, loại nghiệp vụ bảo hiểm này mới được coi là bắt buộc, bởi cách đây hơn 10 năm, từ trước năm 2004, bảo hiểm xây dựng đã mang tính bắt buộc và được thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính như Thông tư 105TC/ĐT ngày 8/12/1994 của Bộ Tài chính hướng dẫn bảo hiểm các công trình xây dựng; Quyết định 663 TC/QĐ-TCNH ngày 24/6/1995 của Bộ Tài chính ban hành các quy tắc và biểu phí bảo hiểm mọi rủi ro…
Từ ngày 1/7/2004, theo Luật Xây dựng 2003, đã không còn loại hình bảo hiểm xây dựng bắt buộc. Luật chỉ quy định chung như một hình thức tự nguyện, đó là “chủ đầu tư, nhà thầu, nhà khảo sát, thiết kế, giám sát thi công có nghĩa vụ mua bảo hiểm công trình và bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp”. Tuy nhiên, trong thời gian này, các quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm xây dựng, lắp đặt vẫn được thực hiện theo các quyết định của Bộ Tài chính.
Đến năm 2007, theo Nghị định 45/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007, Bộ Tài chính chỉ ban hành quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với các loại hình bảo hiểm bắt buộc; bảo hiểm trong hoạt động xây dựng không phải là bảo hiểm bắt buộc nên các DNBH chủ động xây dựng và thực hiện quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm của loại hình bảo hiểm này. Đồng thời, Bộ Tài chính có công văn thông báo bãi bỏ những văn bản có liên quan của Bộ này trước đó.
Hành động này dẫn đến việc các chủ thể, đặc biệt là chủ đầu tư, chưa chú trọng việc mua bảo hiểm hoặc mua bảo hiểm dưới giá trị, nên khi xảy ra tổn thất, DNBH chỉ bồi thường trong phạm vi trách nhiệm bảo hiểm mà chủ đầu tư tham gia bảo hiểm. Đối với phần thiệt hại mà chủ đầu tư không mua bảo hiểm, chủ đầu tư phải tự khắc phục.
Đến ngày 18/6/2014, Luật Xây dựng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015 đã tái quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
4/29 DNBH không được bán bảo hiểm xây dựng bắt buộc
Đáng chú ý, tại Dự thảo Nghị định mới nhất lần này, điều kiện về vốn cho các DNBH phi nhân thọ được phép triển khai nghiệp vụ bảo hiểm trên đã được hạ chuẩn, khi quy định vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng vốn pháp định (tương đương 300 tỷ đồng), kèm theo ràng buộc có biên khả năng thanh toán không thấp hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu theo quy định. Trước đó, tại Hội nghị lấy ý kiến Dự thảo Nghị định tại Hải Phòng ngày 7/8, riêng điều kiện về vốn chủ sở hữu, DNBH phải đạt tối thiểu 500 tỷ đồng.
Việc hạ chuẩn này xuất phát từ nguyện vọng của các DNBH nhỏ, mong muốn được tham gia “sân chơi” này, bởi nếu tiêu chuẩn ở mức 500 tỷ đồng, sẽ có tới hơn nửa (16/29 DNBH) không được bán sản phẩm bảo hiểm xây dựng bắt buộc. Trong khi, với năng lực có hạn, nhiều DNBH nhỏ đã không “có chân” trong các chương trình bảo hiểm lớn như: bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thủy sản (theo chủ trương của Chính Phủ), và sắp tới là bảo hiểm tài sản công (nếu Dự thảo quy định DNBH phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 600 tỷ đồng và tổng tài sản 2000 tỷ đồng được thông qua)…
Nếu tiêu chuẩn 300 tỷ đồng được thông qua, sẽ có 25/29 DNBH được phép bán bảo hiểm xây dựng bắt buộc, số DNBH không được bán chỉ còn 4/29. Theo số liệu về chỉ tiêu tài chính được thống kê từ Bộ Tài chính, tính đến thời điểm kết thúc năm 2014, một số DNBH có số vốn chủ sở hữu dưới 300 tỷ đồng như Phú Hưng (296 tỷ đồng), ACE (298 tỷ đồng), Cathay (282,9 tỷ đồng)…
Tiêu chuẩn liên quan đến việc lựa chọn nhà bảo hiểm có thể có thêm những điều chỉnh nhất định. Dù theo tiêu chuẩn nào, danh sách các DNBH đạt chuẩn hàng năm vẫn cần được công bố, nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho DN tiếp cận dự án và quy định này cũng cần được bổ sung vào Dự thảo Nghị định.
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo tinnhanhchungkhoan.vn)