Theo dõi ngành bảo hiểm đã lâu, ông đánh giá thế nào về hoạt động kiểm soát rủi ro và kiểm toán nội bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam hiện nay?
Ở các nước phát triển, công tác kiểm soát nội bộ và vai trò của kiểm toán nội bộ trong doanh nghiệp rất được chú trọng. Đặc biệt, bộ phận kiểm toán nội bộ đang dần trở thành nhà tư vấn chiến lược của doanh nghiệp, đóng góp nhiều ý kiến có giá trị, hỗ trợ cho ban lãnh đạo doanh nghiệp trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động, thực thi các sáng kiến chiến lược, quản trị các thách thức và thay đổi của doanh nghiệp. Các yêu cầu quản trị ở mức độ cao như vậy đòi hỏi bộ phận kiểm toán nội bộ phải có các nhân sự với tri thức và kinh nghiệm dày dặn.
Ở Việt Nam, đặc biệt là tại các doanh nghiệp bảo hiểm, vai trò của bộ phận kiểm toán nội bộ vẫn còn rất mờ nhạt. Cấp quản lý của các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn coi mục tiêu tăng trưởng là ưu tiên hàng đầu và chưa đánh giá đúng mức vai trò, tiềm năng đóng góp của bộ phận kiểm toán nội bộ đối với các hoạt động quản trị hoạt động, quản trị rủi ro và chiến lược của doanh nghiệp.
Gần đây, Bộ Tài chính đã ban hành các quy định, hướng dẫn, đòi hỏi các doanh nghiệp bảo hiểm cần củng cố, nâng cao năng lực quản trị, kiểm soát và kiểm toán nội bộ. Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã có ý thức nâng cao chức năng này thông qua việc thành lập bộ phận kiểm tra, kiểm toán nội bộ, xây dựng các văn bản mô tả chức năng, nhiệm vụ của các phòng ban này cũng như quy trình thực hiện để đáp ứng các yêu cầu luật định.
Tuy nhiên, trên thực tế, các văn bản này còn khá sơ sài và việc áp dụng vẫn còn mang nặng tính hình thức. Các bộ phận kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ chưa được trang bị các công nghệ, công cụ phù hợp và nhân lực với các kỹ năng cần thiết để hoàn thành trách nhiệm một cách hiệu quả. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực này còn thiếu và đa số chưa được tham gia các khóa đào tạo bài bản về kiểm soát và kiểm toán nội bộ. Phần lớn cán bộ kiểm toán nội bộ mới chỉ có các kinh nghiệm liên quan như kiểm toán độc lập hay kế toán tài chính, nên chương trình làm việc, cách thức và phương pháp thực hiện công việc chưa tuân thủ các chuẩn mực và thông lệ về kiểm toán nội bộ và do đó chưa hiệu quả và chưa đóng góp nhiều giá trị cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, ở một số doanh nghiệp, bộ phận kiểm toán nội bộ vẫn thực hiện báo cáo và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của ban điều hành. Điều này làm ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan trong công tác đánh giá, cung cấp sự đảm bảo về khung kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp của bộ phận kiểm toán nội bộ.
Ông từng phát biểu, để hướng tới thị trường bảo hiểm “sạch” với các đại lý tốt, cần có nỗ lực của toàn ngành. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Theo thống kê không chính thức, 90% lực lượng đại lý tại Việt Nam làm việc bán thời gian và tỷ lệ bỏ việc là tương đối cao. Do tính chất làm việc bán thời gian, nên đội ngũ này không tập trung thời gian cũng như tâm huyết với nghề. Đa số các đại lý bảo hiểm không được trang bị đầy đủ các kỹ năng bán bảo hiểm chuyên nghiệp. Đồng thời, do sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa các doanh nghiệp bảo hiểm, nhiều đại lý chạy từ công ty bảo hiểm này sang công ty khác do sự ràng buộc giữa đại lý và công ty bảo hiểm không chặt chẽ. Một số đại lý bảo hiểm câu kết với khách hàng để thực hiện hành vi trục lợi, hoặc có các hành vi vi phạm và làm ảnh hưởng tới uy tín của công ty bảo hiểm này lại vẫn được các doanh nghiệp khác tuyển dụng.
Để hướng tới thị trường bảo hiểm “sạch” với các đại lý tốt, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã không ngừng nỗ lực xây dựng khung giám sát và kênh chia sẻ thông tin đại lý để thực hiện chức năng quản lý. Tuy nhiên, chính các doanh nghiệp bảo hiểm cần phải chủ động phối hợp, chia sẻ thông tin về đại lý với nhau để nhận diện các đại lý có hành vi trục lợi, vi phạm quy định của công ty bảo hiểm và nghiêm túc xử lý các trường hợp đại lý có hành vi vi phạm và tránh tranh giành, lôi kéo đại lý của nhau. Ngoài ra, bản thân các doanh nghiệp phải có ý chí thống nhất, từ cấp lãnh đạo cao nhất đến cấp quản lý trực tiếp đại lý, liên tục nâng cao chất lượng đại lý thông qua hoạt động tuyển dụng và đào tạo, giúp xây dựng một đội ngũ đại lý chuyên nghiệp, gắn bó với công ty bảo hiểm, từ đó mang lại lợi ích lâu dài cho từng doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng và cả thị trường bảo hiểm nói chung.
Theo đánh giá của cơ quan quản lý thì công tác quản trị, điều hành của một số doanh nghiệp còn nhiều hạn chế như công nghệ thông tin sơ sài, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý; công tác quản lý rủi ro chưa được chú trọng đúng mức… Theo ông, tình trạng này sẽ ảnh hưởng thế nào đối với nền kinh tế và chính bản thân các doanh nghiệp bảo hiểm?
Bản thân tôi cũng cho rằng, công tác quản trị, điều hành của một số doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, hệ thống công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, chưa xây dựng được hệ thống quản lý rủi ro và phòng chống gian lận. Những hạn chế nêu trên có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của doanh nghiệp bảo hiểm trong bối cảnh cạnh tranh và trục lợi đều gia tăng như hiện nay.
Như đã đề cập ở trên, hiện tượng trục lợi, gian lận, đặc biệt là gian lận đại lý rất đáng báo động ở Việt Nam. Một số vụ gian lận lớn do đại lý gây ra gần đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của doanh nghiệp bảo hiểm và và gây thiệt hại lớn cho người tham gia bảo hiểm. Trong khi ngành bảo hiểm đang nỗ lực nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của bảo hiểm trong việc bảo vệ rủi ro, thì những trường hợp gian lận như thế sẽ làm suy giảm lòng tin của người dân trong việc tham gia bảo hiểm. Điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của doanh nghiệp bảo hiểm và gián tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế nói chung.
Dùng công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thống dữ liệu từ khách hàng, đại lý và có thể kiểm soát tốt rủi ro là điều doanh nghiệp bảo hiểm nào cũng mong muốn. Nhưng đầu tư cho một hệ thống này lại là vấn đề không đơn giản đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bảo hiểm trong khối phi nhân thọ, thưa ông?
Theo tôi, chi phí là vấn đề phổ biến đối với các doanh nghiệp ở bất kỳ ngành nghề kinh doanh nào. Các doanh nghiệp bảo hiểm cần xây dựng kế hoạch ngân sách đầu tư dài hạn cho hệ thống công nghệ thông tin.
Trong ngắn hạn, các công ty có thể xem xét sử dụng một số công nghệ hỗ trợ công tác kiểm soát rủi ro như công nghệ phân tích dữ liệu kế toán pháp lý (“Forensic Data Analytics”) giúp phát hiện và phòng chống gian lận, lãng phí và thất thoát.
Công nghệ phân tích dữ liệu kế toán pháp lý là sự kết hợp giữa phương pháp luận đã được áp dụng thành công, các phần mềm hỗ trợ phân tích và trình bày thông tin và tư duy kế toán pháp lý nhằm xác định những gian lận, ngoại lệ và xu hướng bất thường trong dữ liệu. |