Các vụ gian lận bảo hiểm thường xuyên diễn ra làm đau đầu các công ty bảo hiểm. Về lâu dài, nếu không được khống chế, tình trạng này sẽ “bóp nghẹt” thị trường bảo hiểm.
Hiện hữu “bóng ma” gian lận
Một trong những vụ việc gian lận bị từ chối bồi thường là trường hợp chủ xe ô tô Camry 2.4G mua bảo hiểm tại Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt. Đại diện Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, Công ty đã mời cơ quan công an dựng lại hiện trường vụ tai nạn và sau đó, Viện Khoa học hình sự có kết luận giám định dấu vết trên nắp capo không phù hợp với dấu vết rạn nứt, bong tróc ở mặt ngoài bức tường nơi xảy ra tai nạn.
Bảo hiểm xe cơ giới là loại hình bảo hiểm bị trục lợi nhiều nhất |
Tại một vụ việc khác cũng tại Bảo hiểm Bảo Việt, chủ xe bị tai nạn ở Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên), rồi sau đó mới mua bảo hiểm và thuê xe cứu hộ chở đến Yên Bái, tạo hiện trường như vừa bị tai nạn và mời công án giao thông đến lập biên bản tai nạn.
Tuy nhiên, sau khi công ty bảo hiểm đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra xác minh lại vụ việc, thì mới vỡ lở ra tất cả hiện trường và bằng chứng trên đều là giả tạo.
Trên đây chỉ là một vài ví dụ về gian lận bảo hiểm diễn ra trong thời gian qua.
Tại một vụ tranh chấp khác diễn ra tại Tổng công ty Bảo hiểm Quân đội (MIC) và khách hàng vừa được Tòa án Nhân dân TP. Vinh (Nghệ An) xử với phần thắng thuộc về khách hàng. Tuy nhiên, đại diện MIC cho rằng, những căn cứ gian lận bảo hiểm mà MIC đưa ra đã không được xem xét đến, đó là chủ xe đã cố ý khai báo không chính xác hiện trường vụ tai nạn, chiếc xe khi bị tai nạn không có giấy chứng nhận kiểm định an toàn…
Theo số liệu từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), từ năm 2007 đến 2013), toàn thị trường bảo hiểm nhân thọ có khoảng 52.860 vụ trục lợi, số tiền bị trục lợi ước khoảng 530 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm có hơn 7.500 trường hợp gian lận bảo hiểm, những thất thoát hữu hình và vô hình do gian lận không thể thống kê hết được. Những “bóng ma” này đang đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của thị trường bảo hiểm.
Trong các sản phẩm bảo hiểm, bảo hiểm xe cơ giới là loại hình bảo hiểm có nhiều khả năng bị trục lợi cao nhất do đối tượng tham gia đông, việc kiểm soát lại rất khó khăn. Ngoài ra, các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm con người… cũng có nguy cơ bị trục lợi cao.
Liều “thuốc độc” đối với thị trường
Ông Saman Bandara, Phó tổng giám đốc Công ty Ernst & Young (EY) Việt Nam cho biết, tổn thất từ gian lận bảo hiểm giống như “tảng băng trôi”, những tổn thất trực tiếp dễ nhận thấy chỉ là phần nổi, nhưng cũng còn rất nhiều tổn thất tiềm tàng mà mọi người không thể nhìn thấy ngay chính là phần chìm. “Do đó, thật hoang đường nếu cho rằng, gian lận bảo hiểm là một hành vi phạm tội vô hại”, ông Saman Bandara nhấn mạnh.
Về lâu dài, nếu tình trạng trục lợi không giảm, thì đây sẽ là “liều thuốc độc” hãm hại thị trường bảo hiểm, bởi các DN bảo hiểm có thể áp đặt yêu cầu cao hơn khi khai thác dịch vụ bảo hiểm; thu hẹp phạm vi bảo hiểm để giảm bớt thiệt hại do gian lận bảo hiểm…
Để tự bảo toàn vốn, các DN bảo hiểm sẽ phải từ chối bảo hiểm đối với những lĩnh vực khó chống lại gian lận bảo hiểm và vô hình trung điều này làm thị trường bảo hiểm bị thu hẹp.
Ngoài ra, việc trục lợi diễn ra thường xuyên khiến các DN bảo hiểm sẽ phải siết chặt quy trình điều tra, thẩm định dẫn đến việc giải quyết những yêu cầu đòi bồi thường chính đáng bị chậm lại. Trước thực trạng gian lận hiện nay, các cơ quan quản lý và DN đang nỗ lực tìm ra những bài toán hợp lý để “chiến đấu” với gian lận. Theo đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị rủi ro là một biện pháp được đặt nhiều kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả.
Ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, hiện cơ quan này đang có chương trình nghiên cứu để xây dựng cổng công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ thị trường bảo hiểm.
Các chuyên gia bảo hiểm cho biết, việc xác định rủi ro từ trục lợi là chuyện không đơn giản, bởi thực chất, chỉ có 3 – 5% số trường hợp bắt nguồn từ trục lợi hoàn toàn. Trong khi đó, việc trục lợi còn có nhiều hình thái khác nhau, có tới 25 – 30% các trường hợp bồi thường theo quyền lợi, nhưng có yếu tố trục lợi trong đó và có 10 – 20% cũng là các trường hợp bồi thường thông thường, nhưng bị trục lợi về mặt giá trị bồi thường.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo baodautu.vn)