Giảm lương hưu cân bằng quỹ BHXH: Điều không thể!

 “Việc giảm lương hưu không phải giải pháp triệt để để cân đối quỹ BHXH, nên đây là giải pháp không đúng, không hợp lý và không khoa học”.

PGS.TS Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học dạy nghề, Bộ LĐTB&XH thẳng thắn nhận định.

Giảm lương hưu chỉ là một kỹ thuật tính toán

PV:-Vừa qua, một trong những nội dung của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi chuẩn bị trình Quốc hội được dư luận rất quan tâm là việc lương hưu đối với công chức, viên chức có thể giảm theo cách tính mới, mục đích là để cân bằng quỹ BHXH. Quan điểm của ông ra sao trước cách tính này?

PGS.TS Mạc Văn Tiến:- Tôi cho rằng việc giảm lương hưu không phải giải pháp triệt để để cân đối quỹ BHXH, nên đây là giải pháp không đúng, không hợp lý và không khoa học.

Điều chỉnh cách tính lương hưu chỉ là kỹ thuật tính toán bảo hiểm, bởi vì cuối cùng cũng chỉ là kỹ thuật tính toán chứ trên thực tế không ai hưởng đúng như kỹ thuật tính toán đó.

Theo Luật quy định là ai cũng phải làm việc 15 năm, nhưng thực tế thời gian làm việc lúc nào cũng dài hơn thời gian đó, vấn đề đặt ra là tuổi đời và thời gian đóng bảo hiểm, phải song song đủ 2 điều kiện đó.

Còn cách tính là phải chia nhỏ ra về mặt thời gian đóng bảo hiểm chứ không phải tuổi nghỉ hưu, khi hội đủ 2 điều kiện thì ai cũng sẽ được hưởng lương hưu với mức tối thiểu là 60%, thậm chí trên 75%.

Nên nó chỉ là kỹ thuật tính toán tuổi nghỉ hưu chứ không giúp cho việc cân đối quỹ BHXH. Mặt khác, việc điều chỉnh tỷ lệ đóng BHXH không góp phần làm giảm mất cân đối quỹ BHXH, mà nó giảm tỷ lệ bất bình đẳng giữa nam – nữ, không làm giảm mất cân đối giữa đầu vào và đầu ra của quỹ BHXH.

PV:- Nhiều người nói cách tính mới này sẽ gây thiệt thòi cho các cán bộ, công chức tham gia BHXH từ ngày 1/1/2015 khi mà tiền lương hưu sẽ giảm, ông có đồng tình không? Vì sao ạ?

PGS.TS Mạc Văn Tiến:-  Đúng là thiệt thòi nhưng thiệt thòi so với ai, tôi cho rằng đã nói tới cái bất hợp lý thì xóa cái bất hợp lý đi, với những người tham gia BHXH từ 1/1/2015, phải tính bình quân toàn bộ cuộc đời đóng BHXH, còn những người trước đây chỉ tính 1 năm cuối cùng, 5 năm cuối cùng.

Thế nhưng nếu tính đúng, tính đủ, đúng nguyên tắc bảo hiểm thì phải thu bình quân cả cuộc đời là bình đẳng nhất, cho nên chỉ thiệt thòi so với ai, nhưng với bản thân thì không thiệt thòi, vẫn tính đủ tính đúng cho mọi người.

Hiện nay, do chúng ta không kiểm soát được thu nhập nên vẫn tính tiền đóng BH dựa trên tiền lương, do đó xảy ra nhiều cái bất hợp lý, còn nếu tính đúng, tính đủ thu nhập trong cuộc đời họ thì lại ổn, bình đẳng giữa mọi người.

Có những lúc đỉnh điểm thu nhập có thể lên tới 10.000 USD, nhưng cuối đời lại có 1000 USD, thế nên phải tính từ lúc tôi có 10.000 USD chứ không phải lúc 1000 USD, như vậy là thiệt. Tính theo tiền lương thì về lý thuyết thì càng gần ngày nghỉ hưu thì lương sẽ là cao nhất, nhưng tính thu nhập thì chưa chắc, khi tôi khỏe, 30 tuổi làm nhiều hợp đồng thu nhập cao, năm 59 tuổi, đã già yếu, tất nhiên thu nhập sẽ thấp.

Giảm lương hưu là một giải pháp không hợp lý

Giảm lương hưu là một giải pháp không hợp lý

Nên khi tính  theo tiền lương thì ai cũng thấy thiệt thòi so với thế hệ trước. Trong thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải tính cả cho tương lai, hi vọng hướng tới sẽ tính bằng thu nhập, từ lúc đi làm đến lúc nghỉ hưu, theo đúng xu hướng của thế giới, có nghĩa chúng ta đang thực hiện chính sách đúng nửa vời.

PV:- Điều đáng nói tiền BHXH đã được đóng ngay từ đầu, với cách tính mới thì có phải cán bộ, công chức dù đóng 10 để khi nghỉ hưu sẽ được nhận 2, nhưng giờ lại chỉ nhận được 1, có thể hiểu là đang cắt bớt tiền của dân hay không?

PGS.TS Mạc Văn Tiến:- Mục tiêu của BHXH, là an sinh xã hội,  là lương hưu đảm bảo cuộc sống, điều chỉnh là phải điều chỉnh tổng thể, nếu không sẽ không giải quyết được tận gốc vấn đề.

Vì thế, nên không bao giờ có chuyện, đóng 10 hưởng 1, nguyên tắc luôn luôn là đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, đóng 10 thì được hưởng 75% của 10. Ở đây, cảm giác thiệt thòi là từ thu nhập chứ không phải tiền lương, không có nước nào trả lương hưu là  75% tiền lương như nước ta.

Ở các nước lương và thu nhập là 1, nhận 10 triệu là 10 triệu, không như bài toán của nước ta vẫn nửa vời, chắp vá, nếu đã vậy thì không bao giờ đạt mục tiêu cho mọi người được, chỉ đạt mục đích nào đó mà thôi.

Cơ quan quản lý vẫn nghĩ mình là người ban phát

PV:- Trước đó, Bộ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã có đề nghị nâng tuổi nghỉ hưu (nam 62, nữ 60) để tránh nguy cơ vỡ quỹ BHXH trong tương lai không xa, nhưng vấp phải phản đối từ dư luận, giờ lại thay đổi cách tính để giảm lương hưu. Vì sao chúng ta lại rơi vào vòng luẩn quẩn như vậy?

PGS.TS Mạc Văn Tiến:-  Vẫn quay lại câu chuyện nhận thức về cân đối quỹ, khi nói cái gì thì đã nghĩ ngay đến việc đóng không đủ, quỹ sắp vỡ, chứ không xoay quanh câu chuyện an sinh xã hội. Vỡ quỹ thì phải tìm cách làm sao cho nó không vỡ, mình cứ loay hoay lo vỡ, thì giải quyết được vấn đề gì?

Tôi đã từng nói, việc tăng tuổi nghỉ hưu ảnh hưởng rất lớn đến thị trường lao động, nước ta đang có lượng người lao động trẻ mỗi năm hơn 1 triệu 2, nhưng chỉ giải quyết việc làm được cho 1 triệu 6, để thấy sự tồn đọng giữa người già và người trẻ rất lớn, nên người già cứ giữ lại thì bộ máy không phình ra được, DN không phát triển được, sẽ ở thế tương đối cố định, tổng lượng dư thừa trong thị trường lao động luôn luôn cao, không sử dụng hết, lãng phí nguồn lực lao động.

Câu chuyện đặt ra không phải là tăng tuổi sẽ giải quyết vấn đề quỹ, không tăng được tuổi thì đòi giảm lương, nó cũng là một giải pháp cực đoan khác, từ cực đoan này sang cực đoan khác, cả hai đều cực đoan cả. Do đó phải hài hòa bằng các giải pháp tổng thể, có thể điều chỉnh tuổi nghỉ hưu lên 1 tí, tăng đóng góp, đặc biệt quản lý quỹ hiệu quả.

Nếu không giải quyết được bài toán lương và thu nhập thì rất kém, 20 năm trước lương tôi đủ sống, nhưng 20 năm nay lương tăng 10 lần nhưng tôi vẫn không đủ sống, vì giá trị mức sống đang theo đà phát triển tăng lên, trước đây đi xe đạp là được, nhưng giờ xe máy chưa đủ, mà phải là 4 bánh.

Bây giờ phải bắt tôi đóng cho 20 năm tương lai, rồi đến lúc hưởng lại hưởng cho 20 năm tương lai thì sẽ không bao giờ đáp ứng được yêu cầu.

Tổ chức lao động thế giới (ILO) đã khẳng định, tính BHXH là phải tính cho 50 năm về sau chứ không phải tính 5 năm, 7 năm rồi thay đổi là chết.

PV:- Ông đánh giá như thế nào về những biện pháp được đưa ra để cân bằng lại quỹ BHXH trong những năm vừa qua?

PGS.TS Mạc Văn Tiến:-  Các biện pháp của chính phủ đưa ra theo tôi là tốt nhưng thực thi thì không tốt, không thực hiện được.

Biện pháp thứ nhất là giảm chi phí bộ máy nhưng cũng chưa giảm được bao nhiêu, thứ hai, là đầu tư tăng trưởng quỹ BH là đúng, nhưng hiệu quả đầu tư không cao, lãi chỉ là trên danh nghĩa, chứ không phải lãi thực tế.Thứ ba, bảo toàn giá trị đồng vốn của quỹ BHXH không tốt, ảnh hưởng đến đời sống của người tham gia.

Nhận thức của 3 bên, của người lao động, người sử dụng lao động, người quản lý đều chưa tốt. Người thực hiện BHXH, cụ thể cơ quan quản lý vẫn nghĩ mình là người ban phát, chứ không phải làm dịch vụ công, nghĩ tiền là của nhà nước chứ không phải tiền của người lao động.

Tôi lấy ví dụ, điều chỉnh chế tài, ai cũng biết hàng loạt DN trốn BHXH, nợ đọng bảo hiểm hàng nghìn tỷ, tại sao không xử lý, chế tài làm sao, quyền trong tay nhà nước lại không xử lý. Để thấy chúng ta đang thiếu văn bản pháp luật, thiếu cơ chế, đặc biệt đừng nghĩ tăng quyền thanh tra cho cơ quan bảo hiểm. Cơ quan bảo hiểm là cơ quan sự nghiệp không nên có thanh tra, mà phải do Cục thuế, Tòa án, nên có thanh tra bảo hiểm do Cục thuế điều hành.

Tôi cũng nhắc lại để đỡ làm rối xã hội, thì nên giữ nguyên cách tính cũ, và phải đưa ra giải pháp khác, nhưng làm sao điều chỉnh linh hoạt tuổi nghỉ hưu, một lớp người tăng lên, GS.TS phải tăng tuổi cống hiến, Luật khoa học công nghệ, Luật giáo dục, đã quy định rõ. Loại 2 là giảm tuổi xuống đó là những người làm nặng nhọc, độc hại, những ngành khổ như xiếc, múa.

Có nhiều giải pháp nhưng chưa làm được

PV:-Phía Tổng liên đoàn Lao động có ý kiến rằng, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, chỉ nên thay đổi cách tính lương hưu khi mức đóng BHXH được tính trên tiền lương thực lĩnh (bao gồm cả phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác), thay vì chỉ tính trên lương ghi trong hợp đồng lao động như hiện nay. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

PGS.TS Mạc Văn Tiến:- Các chuyên gia quốc tế đều cho rằng phải hướng tới việc quản lý được thu nhập. Như hiện nay, ở Đức, người lao động phải đóng 40% thu nhập, trốn sẽ phải đi tù.

Còn như chúng ta, vẫn đang tồn tại thực trạng, lương ngoài nhiều hơn lương trong mà không ai quản lý được, nên phải làm sao quản lý được đồng lương chính đáng.

Đó là lý do tại sao có người lương hưu 63 triệu, vì họ là những người thu nhập quá cao, không có nhu cầu BHXH, hoặc chuyển sang bảo hiểm tư nhân.

Hiện nay, người thu nhập thấp quá thì không tham gia BHXH, thuộc tầng lớp an sinh xã hội, người cao quá thì tự bảo hiểm cho mình, chỉ lớp thu nhập bình quân sẽ tham gia BHXH nhiều nhất. Mặc dù có nhiều giải pháp khác nhau, nhưng hiện tại chúng ta vẫn chưa làm được.

PV:- Để tránh vỡ quỹ thì phải nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Muốn giải quyết vấn đề này, phải bắt đầu từ đâu và làm như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Mạc Văn Tiến:- Để tránh vỡ quỹ thì phải làm sao để cho đầu vào lớn hơn đầu ra, cứ hình dung một cái bể nước, lúc nào cũng có vòi chảy vào và chảy ra. Tất nhiên, bao giờ trong bể cũng có một lượng tồn tích nhất định, nhưng phải làm sao để lượng chứa trong bể luôn lớn hơn lượng nước chảy ra ngoài.

Để mà đảm bảo cân bằng quỹ BHXH, có 3 việc đặt ra: Thứ nhất, tăng tuổi nghỉ hưu, thời gian đóng tăng lên, thời gian hưởng giảm đi, dịch chuyển mốc nghỉ hưu.

Thứ hai, tăng tỷ lệ đóng góp, nghĩa là hiện nay đóng 20% thì tăng lên 25% hoặc 40% như các nước châu Âu, mức hưởng giữ nguyên, mức đóng tăng lên, để cân bằng quỹ. Chỉ cần số lượng người đóng bảo hiểm tăng lên 5 năm thì sẽ có 5 nhóm người đáng lẽ được nghỉ hưu thì vẫn sẽ đóng bảo hiểm.

Thứ ba, dung hòa hai cái trên, vừa tăng tuổi nghỉ hưu, vừa tăng mức đóng, có nghĩa là hình thức tăng bậc thang. Rõ ràng để cân bằng quỹ BHXH thì đó là cái cốt lõi, nội hàm hệ thống BHXH.

Ngoài ra, quỹ BHXH bao giờ cũng có 1 lượng dư, tồn dư tạm thời chưa sử dụng đang nhàn dỗi vì lý do người đóng mấy chục năm sau mới hưởng, nên được đem ra đầu tư, nhưng đầu tư sao cho hiệu quả mà thôi.

– Xin cảm ơn những chia sẻ của PGS.TS!

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo baodatviet.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.