Hiện, hành vi trục lợi bảo hiểm xe cơ giới ở nước ta khá đa dạng, từ thủ đoạn đơn giản cho đến những thủ đoạn tinh vi như lập hồ sơ giả, tạo dựng hiện trường giả…
Sau hơn 7 năm liền kinh doanh liên tục thua lỗ với mức lỗ lên tới cả nghìn tỷ đồng mỗi năm, bảo hiểm xe cơ giới – một loại hình bảo hiểm bắt buộc hiện vẫn chưa có dấu hiệu thoát khỏi tình cảnh này.
Bộ Tài chính, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam thời gian qua đã chỉ ra nhiều lý do dẫn đến sự thua lỗ, trong đó có một lý do luôn được nhắc đi nhắc lại là không thể kiểm soát được tình trạng trục lợi bảo hiểm của các chủ xe cơ giới.
Liên Bộ Tài chính – Công an thậm chí đã có hẳn một thông tư liên tịch trong đó có quy định về việc phối hợp kiểm tra, giám sát, ngăn chặn hành vi trục lợi và gian lận bảo hiểm. Thế nhưng, vi phạm này vẫn diễn ra khá phổ biến với hình thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi với số tiền thiệt hại hàng năm ước tính từ 300 đến 500 tỷ đồng.
Đây chính là số tiền phí mà số đông người dân đã nộp với ý nghĩa cao cả là hỗ trợ số ít người bị thiệt hại nhưng đã bị chiếm đoạt một cách bất hợp pháp, mà cho đến nay vẫn chưa có chế tài nào để xử lý kẻ trục lợi khiến cho động cơ gian lận này ngày càng gia tăng.