Gặp người bí thư “xé rào” lập quỹ hưu cho nông dân và “nghi án” thu sai hơn 90 tỷ đồng

Ông là người giữ khá nhiều điều “dị” với gần 28 năm làm Bí thư Đảng ủy xã, 2 năm làm Phó Bí thư Đảng ủy xã, là Bí thư có tuổi đời khá cao (72 tuổi) và là người dám “xé rào” lập “Quỹ Phúc lợi và bảo hiểm nông dân” để trả lương hưu cho nông dân. Nhưng nay, theo kết quả sơ bộ của Đoàn khảo sát việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, việc lập quỹ với 90,7 tỷ đồng có những dấu hiệu vi phạm luật. Dòng Đời đã có cuộc gặp gỡ với người Bí thư Đảng ủy xã đặc biệt này.

Người ta thường gọi ông là “Bí thư đầu bạc của chúng tôi”, bởi mái tóc của ông dù dài và bóng mượt, nhưng tất cả đều bạc trắng. Ông bảo, mái tóc của ông đã bạc lúc ông vào tuổi ngũ tuần. Bây giờ ông đã bước sang tuổi “Thất thập cổ lai hy”. Ông là Quang Văn Thỉnh – Bí thư Đảng ủy xã Thanh Văn (Thanh Oai, Hà Nội), chính là người đã cả gan “xé rào” lập “Quỹ Phúc lợi và bảo hiểm nông dân” để chi trả lương hưu. 

28 năm làm Bí thư Đảng ủy xã, dân bầu không cho rút

Ông Thỉnh kể, ông bắt đầu làm Bí thư Đảng ủy xã Thanh Văn từ khi 42 tuổi và nay ông đã 72 tuổi, trong đó 28 năm liên tiếp ông giữ chức Bí thư Đảng ủy xã và 2 năm làm Phó Bí thư. Số thời gian này đã phần nào nói lên uy tín của ông đối với người dân nơi đây. Nhưng theo quy định của Đảng, các Bí thư không được tại chức liên tiếp 3 khóa. “Đúng luật là như vậy, và mỗi kỳ bỏ phiếu tôi đều có đơn xin rút gửi lên Đảng ủy cấp trên và ở trên cũng đã đồng ý cho rút. Nhưng khi bầu người dân lại bỏ phiếu cho tôi, không cho tôi rút. Dân tín nhiệm thì chẳng lẽ mình lại phụ lòng dân? Chính vì vậy mới có chuyện tôi giữ chức Bí thư Đảng ủy xã tới 28 năm”.

Ông Quang Văn Thỉnh.

Để kiểm định lời ông nói, chúng tôi đã tìm gặp một số người dân, đảng viên lão thành, đảng viên trẻ để tìm hiểu xem ông Thỉnh đã làm được gì cho người dân nơi đây. Đa số những người chúng tôi gặp đều khen ông năng nổ, sống liêm khiết và hết mình vì dân. Ông Nguyễn Văn Hùng – đảng viên lão thành nói ngắn ngọn: “Ông Thỉnh là người rất liêm khiết, trách nhiệm và vì dân”.

Được biết, năm 1987, khi lần đầu tiên được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Thanh Văn, ông đã mạnh dạn quy hoạch lại đồng ruộng, theo đó các cánh đồng đều có trục đường chính, phụ, để mỗi thửa ruộng đều giáp ranh với đường giúp người dân thuận tiện trong việc đi lại, vận chuyển thóc lúa. Trong khi quy hoạch, ông đã chủ động để ra một phần đất dư để làm mương máng, phòng việc mở rộng đường sau này. Việc “giấu đất” này đã khiến ông dính vào “tầm ngắm” của công an, cán bộ cấp trên, nhưng đến khi có chủ trương mở rộng đường nội đồng người ta mới thấy được việc nhìn xa, trông rộng của ông. 

Năm 2010, khi cả nước bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, ông cũng là người mạnh dạn đi đầu trong việc bê tông hóa đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Theo người dân ra đồng, chúng tôi nhận thấy tất cả các cánh đồng đã được dồn điền đổi thửa (DĐĐT) vuông vắn, mỗi hộ chỉ còn 1 – 2 thửa, điều đặc biệt là các con đường nội đồng đều đã được bê tông phẳng lì, rộng tới 3 – 4m nên việc đi lại, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất rất thuận tiện.

Tôi hỏi ông làm đường vậy thì trên rót xuống cho xã bao nhiêu tiền, ông bảo: “Tất cả là do xã và người dân đóng góp làm”. “Vậy có vắt kiệt sức dân quá không, thưa bác?”. “Chúng tôi làm cái gì cũng đều bàn với dân hết, dân thống nhất thì mới làm, hơn nữa chúng tôi tự thiết kế, tự bỏ công làm nên chi phí giảm đáng kể” – ông thủng thẳng đáp. 

Cũng trong năm 2010, ông đã mạnh dạn “xé rào” lập “Quỹ phúc lợi và bảo hiểm nông dân”. Theo đó, ông và chính quyền xã đã tạo cho các thôn một “cơ chế mở” để người dân được phép đổi một số diện tích đất phúc lợi, xen kẹt để lấy công trình, hạ tầng. Nhờ cơ chế “mở” mà hầu hết các thôn đã có nhà văn hóa mới, có tiền để tu bổ đình chùa, đường sá… số tiền còn lại các thôn nộp vào “Quỹ Phúc lợi và bảo hiểm nông dân”.

Tính từ năm 2010 đến hết 2013, quỹ đã có 90,7 tỷ đồng. Số tiền này được gửi vào ngân hàng để lấy lãi, ngoài ra, người dân muốn được hưởng lương hưu phải đóng 3 mức tiền khác nhau, tùy vào độ tuổi, gồm: 4,8 triệu đồng; 5,2 triệu đồng và 6 triệu đồng. Nếu ai đóng một lần thì sẽ được trừ 800.000 đồng và được hưởng lương với mức 400.000 đồng/người/tháng sau khi tham gia. 

Ông Thỉnh chia sẻ: “Nếu so với bảo hiểm của Nhà nước, tham gia bảo hiểm “Quỹ Phúc lợi và bảo hiểm nông dân” của xã, người dân có lợi hơn hẳn. Thứ nhất, độ tuổi đóng là từ 16 tuổi đến 60 tuổi trong khi Nhà nước chỉ từ 40 tuổi đối với nam và 35 tuổi đối với nữ, lại phải đủ 20 năm đóng bảo hiểm trở lên thì mới được nhận lương hưu. Ở xã, người 60 tuổi vẫn được đóng và được hưởng lương ngay tháng sau”.

Về cách làm này, đã có công trình nghiên cứu mang tên “Giai đoạn mới, Văn hóa mới, Chính thể mới” do Viện Nghiên cứu Công nghệ và Phát triển SENA Hà Nội xuất bản, so sánh với “Khoán 10” của cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc ba vấn đề: “Thứ nhất Kim Ngọc chỉ là người ủng hộ khởi xướng của dân. Còn Quang Văn Thỉnh vừa khởi xướng vừa cùng dân thực hiện thành công. Thứ hai, Kim Ngọc chủ yếu là cải cách về kinh tế, mang tính tồn tại, trong khi đó cải cách của Quang Văn Thỉnh không chỉ thay đổi về kinh tế mà quan trọng là xây dựng thành công một cơ chế mới, văn hóa mới. Thứ ba, Kim Ngọc được đánh giá khi sự việc đã là quá khứ. Còn Quang Văn Thỉnh đã khẳng định được hiệu quả bằng hiện tại và tương lai”.

Năm 2010, ông đã mạnh dạn “xé rào” lập “Quỹ Phúc lợi và bảo hiểm nông dân”. Theo đó, ông và chính quyền xã đã tạo cho các thôn một “cơ chế mở” để người dân được phép đổi một số diện tích đất phúc lợi, xen kẹt để lấy công trình, hạ tầng. Nhờ cơ chế “mở” mà hầu hết các thôn đã có nhà văn hóa mới, có tiền để tu bổ đình chùa, đường sá… số tiền còn lại các thôn nộp vào “Quỹ Phúc lợi và bảo hiểm nông dân”.

Bình thản trong… “dông bão”

Ký ức vàng son là thế, nhưng hiện ông và tập thể lãnh đạo xã Thanh Văn đang đứng trước một “nghi án hình sự” chính vì cái quỹ với 90,7 tỷ đồng kia. Kết quả của đoàn khảo sát nêu rõ, từ năm 2005 UBND xã Thanh Văn đã chỉ đạo cấp ủy chi bộ và lãnh đạo các tổ chức chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất sai mục đích… lấy kinh phí xây dựng hạ tầng của thôn và nộp vào “Quỹ Phúc lợi và bảo hiểm nông dân”, dẫn đến tình trạng các thôn tự ý chuyển nhượng các ô, thửa đất công ích, xen kẹt, đổi đất lấy đất công trình, hạ tầng với tổng diện tích 34.936m2, tương đương 90,7 tỷ đồng. Việc làm trên đã vi phạm Điều 15, 37, Luật Đất đai 2003; Điều 174, Bộ luật Hình sự…

Ông Thỉnh trao đổi với phóng viên.

Những tưởng sau thông tin “sốc” này, ông Thỉnh và Đảng ủy, UBND xã sẽ lo lắng, bàng hoàng. Nhưng không, gặp ông và các lãnh đạo xã, chúng tôi vẫn thấy rõ sự bình thản ở họ, như không có “chuyện lớn” xảy ra.

Vẫn cái giọng hào sảng, phong thái thoải mái ấy, ông tâm sự: “Tất cả những việc tôi làm đều là vì dân, vì quyền lợi, lợi ích của dân. Tôi nghĩ, cán bộ, công nhân hết tuổi thì được nghỉ hưu, có lương, còn người nông dân là người vất vả nhất làm việc suốt đời mà lúc nằm xuống vẫn còn phải lo. Tôi nghĩ tôi không làm sai, vì luật có cấm người dân thành lập quỹ đâu. “Quỹ Phúc lợi và bảo hiểm nông dân” của Thanh Văn cũng giống như “Quỹ Vì người nghèo”, “Quỹ Đền ơn, đáp nghĩa”…  Hơn nữa, chúng tôi chỉ tạo cơ chế cho các thôn đổi đất lấy hạ tầng, những phần đất họ đổi vẫn sử dụng đúng mục đích và số tiền thu được thì xây dựng nhà văn hóa, đình chùa, đường sá, số còn lại đưa vào quỹ để trả lương hưu cho người dân, chứ chúng tôi có bỏ vào túi riêng đâu mà vi phạm. Còn thôn nào tự ý bán đất thì phải tự chịu trách nhiệm”.

Ông Thỉnh cho biết thêm, kết cục này ông đã ý thức được từ trước. “Nhưng nếu báo cáo theo đúng thủ tục, trình tự để chuyển đổi đất, lập quỹ thì sẽ lỡ mất cơ hội và tôi tin chắc rằng sẽ không thể làm được. Vì vậy chúng tôi chấp nhận “xé rào” đi trước luật. Việc đi trước bao giờ cũng có sai sót, nhưng như Bác Hồ đã nói, cái gì có lợi cho dân thì nên làm, cái gì có hại cho dân thì nên tránh. Tôi thấy việc làm này có lợi cho dân thì đương nhiên tôi phải làm chứ” – ông khẳng định.

“Thứ nhất Kim Ngọc chỉ là người ủng hộ khởi xướng của dân. Còn Quang Văn Thỉnh vừa khởi xướng vừa cùng dân thực hiện thành công. Thứ hai, Kim Ngọc chủ yếu là cải cách về kinh tế, mang tính tồn tại, trong khi đó cải cách của Quang Văn Thỉnh không chỉ thay đổi về kinh tế mà quan trọng là xây dựng thành công một cơ chế mới, văn hóa mới. Thứ ba, Kim Ngọc được đánh giá khi sự việc đã là quá khứ. Còn Quang Văn Thỉnh đã khẳng định được hiệu quả bằng hiện tại và tương lai” – Trích “Giai đoạn mới, Văn hóa mới, Chính thể mới”

Ông cũng hoàn toàn nhất trí và ủng hộ Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội về việc đề nghị các cơ quan truyền thông nên có thông tin hai chiều, phân tích rõ mặt được và chưa được của mô hình Thanh Văn. Vì theo ông, mô hình này dù được nhiều người đánh giá hay, tốt, có lợi cho người dân, nhưng việc áp dụng thì vô cùng khó. 

“Trước đây cũng đã có nhiều đoàn đến học tập để nhân rộng, nhưng không thể làm được. Để làm được như Thanh Văn cần phải có đất công ích, phải được người dân đồng tình ủng hộ, phải có cán bộ liêm khiết, phải công khai dân chủ. Chứ nếu cán bộ tham ô, tham nhũng, thiếu công khai, dân chủ thì cách làm này sẽ sớm dẫn đến mất an ninh, trật tự, mất đất và mất luôn cán bộ” – ông Thỉnh kết luận.

“Một ông bạn già của tôi ở huyện Mỹ Đức, khi biết thông tin ông không gọi điện mà xuống tận nhà để hỏi thăm. Tôi nghĩ vì mô hình không thể nhân rộng được, nên cấp trên muốn dừng lại và điều này tôi đã lường trước” – ông Thỉnh nói.

Để khép lại bài viết này, chúng tôi xin trích hai bài thơ do chính tay ông Vương Văn Biện – nguyên Phó Bí thư – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây (cũ) viết tặng khi đến thăm ông Thỉnh. Bài “Chào Thanh Văn”: “Thanh Văn nghe mấy năm nay/Hưu rồi nay có một ngày về thăm/Niềm vui ấp ủ trong lòng/Đúng, sai, phải, trái, có không vẫn rành/Cái mới phải tổng kết nhanh/Đảng mạnh, dân chủ dân tình quý yêu… 

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo danviet.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.