Theo Dự thảo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), có 294 danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày theo các chuyên khoa.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa ban hành Dự thảo Thông tư về Danh mục các bệnh cần chữa trị dài ngày. Theo đó, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập trực thuộc ngành đóng góp ý kiến.
Có 294 danh mục các bệnh được nhắc đến trong Dự thảo Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày theo các chuyên khoa, bao gồm: Bệnh nhiễm trùng và ký sinh trùng (16 danh mục); bướu tân sinh (3 danh mục); bệnh của máu, cơ quan tạo máu và các rối loạn liên quan đến cơ chế miễn dịch (18 danh mục);
Bệnh nội tiết, dinh dưỡng và chuyển hóa (15 danh mục); bệnh tâm thần (28 danh mục); bệnh hệ thần kinh (34 danh mục); bệnh mắt và phần phụ của mắt (17 danh mục); bệnh lý tai mũi họng (15 danh mục); bệnh hô hấp (17 danh mục); bệnh hệ tiêu hóa (19 danh mục);
Bệnh hệ cơ-xương-khớp và mô liên kết (54 danh mục); bệnh hệ sinh dục – tiết niệu (11 danh mục); thai nghén, sinh đẻ và hậu sản (1 danh mục); vết thương ngộ độc và hậu quả của một số nguyên nhân bên ngoài (19 danh mục); các yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe và tiếp xúc dịch vụ y tế (6 danh mục).
Theo Dự thảo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, có 294 danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày theo các chuyên khoa.
Theo Bộ Y tế, Thông tư dự thảo danh mục bệnh điều trị dài ngày này sẽ thay thế cho Thông tư số 34/2013/TT-BYT ngày 28/10/2013, trên cơ sở sửa đổi, cập nhật, bổ sung một số nội dung chi tiết về điều khoản của thông tư và danh mục bệnh đính kèm để phù hợp với Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành.
Được biết, Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 28/11/2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016, trong đó có quy định cụ thể thời gian hưởng chế độ nghỉ ốm tại khoản 2, điều 26.
Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội quy định: Người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Nếu hết thời gian trên mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội (người lao động làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên).
theo vietq.vn