8 năm, có chưa tới 200.000 người tham gia BHXH tự nguyện, lấy gì để bảo đảm thực hiện mục tiêu mỗi năm mở rộng BHXH đến 2,6 triệu người?
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa dự thảo Nghị địnhquy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện. Dự thảo được lấy ý kiến rộng rãi từ nay đến ngày 26-7, trước khi hoàn chỉnh trình Chính phủ phê duyệt.
Nhà nước khuyến khích
Tại dự thảo, Bộ LĐ-TB-XH đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Theo phân tích của Bộ LĐ-TB-XH, dự báo đến năm 2020, lực lượng lao động cả nước đạt khoảng 60 triệu người. Có nghĩa đến thời điểm đó, mục tiêu hướng tới độ bao phủ số người tham gia BHXH là 30 triệu người. Hiện nay, cả nước có trên 11 triệu lao động tham gia BHXH bắt buộc. Với quỹ thời gian còn 7 năm, đồng nghĩa với việc mỗi năm cần mở rộng thêm hơn 2,6 triệu người tham gia BHXH, trong đó tập trung mở rộng quy mô số người tham gia BHXH tự nguyện.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất Chính phủ sớm triển khai các chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện mà Luật BHXH đã quy định. Cụ thể, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất 2 phương án hỗ trợ. Phương án 1: Nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện theo tỉ lệ % trên mức đóng tối thiểu, 5 năm đầu 50% và 5 năm tiếp theo 30%. Phương án 2: Nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người lao động (NLĐ) khu vực nông thôn tham gia BHXH tự nguyện với mức hỗ trợ hằng tháng bằng 30% mức đóng tối thiểu cho toàn bộ thời gian tham gia BHXH tự nguyện. Thời gian hỗ trợ theo phương án 1 tương ứng 10 năm và phương án 2 là toàn bộ thời gian tham gia BHXH tự nguyện.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp cho rằng chính sách này rất quan trọng để khuyến khích, tạo điều kiện cho NLĐ duy trì đóng BHXH sau khi kết thúc việc làm tại doanh nghiệp để có lương hưu, bảo đảm cuộc sống; hướng đến lợi ích toàn dân và tiến bộ xã hội như tinh thần của điều 60 Luật BHXH.
Người lao động thờ ơ
Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn về tính hiệu quả, bền vững của loại hình BHXH tự nguyện. Trên thực tế, gần như chưa có địa phương nào thực hiện hiệu quả loại hình BHXH tự nguyện. Điển hình, tại tỉnh Vĩnh Phúc, qua 6 năm thực hiện BHXH tự nguyện (từ 2008 đến 2013), chỉ có 3.196 người tham gia trong tổng số 115.660 người thuộc đối tượng tham gia BHXH.
Tại tỉnh Phú Yên, tính bình quân giai đoạn 2008-2014, số người tham gia BHXH tự nguyện chiếm 1,32% tổng số người tham gia BHXH, bằng 0,13% lực lượng lao động và 0,078% tổng dân số toàn tỉnh…
Báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH cũng cho biết sau 8 năm triển khai chính sách BHXH tự nguyện, số người tham gia vẫn còn thấp. Tính đến hết ngày 31-12-2014, chỉ có thêm 196.254 người tham gia BHXH tự nguyện. “Tám năm mà chỉ có chưa tới 200.000 người tham gia BHXH tự nguyện, như vậy lấy gì để bảo đảm thực hiện mục tiêu mỗi năm mở rộng BHXH, chủ yếu là BHXH tự nguyện, đến 2,6 triệu người? Phần đông lao động, nhất là lao động trực tiếp sản xuất ở các ngành thâm dụng lao động, sau khi kết thúc việc làm tại doanh nghiệp đều không quay lại thị trường lao động. Khi ấy, việc làm, thu nhập của họ rất bấp bênh, lấy đâu chi phí để tiếp tục duy trì việc đóng BHXH?” – bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường lao động Trí Việt, băn khoăn.
Chưa có quốc gia nào thành công
Mặc dù có vai trò tích cực trong tham vấn, hỗ trợ kỹ thuật xây dựng Luật BHXH cũng như đồng thuận chủ trương khuyến khích NLĐ duy trì BHXH (tức đóng BHXH tự nguyện) để có lương hưu nhưng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng băn khoăn nhiều về tính hiệu quả của loại hình BHXH tự nguyện. Theo ILO, chưa có quốc gia nào trên thế giới thành công với BHXH tự nguyện.
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo nld.com.vn)