TT – Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội được Chính phủ báo cáo Quốc hội (QH) là tiến hành đúng quy trình, quy định. Tuy nhiên khi điều luật này chưa có hiệu lực thi hành đã phải đưa ra QH để sửa đổi. Vậy có vấn đề gì hay không trong quy trình nêu trên?
Ông Ngô Văn Minh – Ảnh: Võ Văn Thành |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông NGÔ VĂN MINH (ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của QH) trăn trở:
– Tại sao chúng ta có những quy trình làm luật chặt chẽ, công khai, minh bạch nhưng vẫn có những điều luật mới vừa ban hành, chưa có hiệu lực đã phải sửa? Phải chăng quy trình có vấn đề?
* Nếu có, theo ông, đó là vấn đề gì?
– Ví dụ điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội, Luật nhà ở và một số luật khác đang được kiến nghị sửa. Theo báo cáo của Chính phủ thì chúng ta làm đúng quy trình theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Quy trình đó là gì? Cũng từ khâu đề xuất chương trình, đến soạn thảo, đến lấy ý kiến người dân, đến đăng công khai trên mạng thông tin điện tử, rồi tiếp thu, giải trình, đại biểu QH thảo luận hai vòng, rồi giải trình, tiếp thu, rồi bấm nút thông qua… Bây giờ lại bảo không phù hợp.
Đúng là đúng quy trình rồi nhưng không có nghĩa không cần phải xem xét lại. Đúng quy trình là quy trình trong luật nhưng cũng cần tham vấn ý kiến người dân, ý kiến của các cơ quan bộ ngành, tổ chức, đơn vị hữu quan, các chuyên gia, nhà khoa học, các đối tượng chịu sự tác động…
Vấn đề theo tôi nằm ở chỗ này, thường chỉ chú ý ý kiến số đông, xem nhẹ ý kiến số ít. Ý kiến đa số hay thiểu số đều phải được nêu lên rõ ràng và cụ thể trên bàn nghị sự. Tương tự vậy là không chỉ xem trọng vấn đề lớn, bỏ qua vấn đề nhỏ, vấn đề không lớn không nhỏ. Nhiều khi chính vấn đề không lớn không nhỏ lại phát sinh câu chuyện.
* Vậy theo ông, phải sửa quy trình thế nào để tránh lặp lại trường hợp như điều 60 Luật bảo hiểm xã hội?
– Thứ nhất, với cơ quan trình dự án luật, nếu đó là dự án luật với những điều khoản hoàn toàn mới thì phải làm rõ yêu cầu đặt ra các điều luật ấy. Thứ hai, nếu là sửa đổi, bổ sung thì phải nói rõ các điều khoản sẽ được sửa đổi, bổ sung theo hướng nào, vì sao.
Cùng với đó là đối tượng chịu sự tác động của việc sửa đổi luật đã có ý kiến ra sao. Tất cả vấn đề đó phải được đặt lên bàn nghị sự của QH.
Việc đề đạt ý kiến, cơ hội được trình bày quan điểm, ý kiến của đại biểu trong quá trình làm luật cũng có vấn đề. Ngay đối với việc sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại kỳ họp lần này, QH thảo luận chiều 22-5 có hơn 30 đại biểu đăng ký nhưng chỉ có hơn 10 đại biểu đủ thời gian phát biểu. Như vậy là có những nội dung đại biểu băn khoăn mà chưa được thảo luận kỹ.
Ngoài ra, theo tôi, có thể kể đến một số bất cập khác như có khi đại biểu QH đề nghị lấy ý kiến về vấn đề này thì đi lấy ý kiến nội dung khác. Hoặc là khi bấm nút thông qua luật, trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ đạo luật sẽ có biểu quyết một số điều còn có nhiều ý kiến khác nhau, vấn đề là không biểu quyết những điều đại biểu QH đề nghị mà biểu quyết nội dung khác.
Tóm lại, có quy trình, có trình tự, thủ tục được quy định chặt chẽ, vấn đề là tổ chức thực hiện có đạt yêu cầu hay không. Ví dụ điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội bảo làm đúng quy trình, nhưng trong quy trình đó nêu chỉ có một ý kiến khác thì giải quyết sao?
Không phải lúc nào chân lý cũng thuộc về đa số. Cho nên quan trọng nhất là phải nhìn vào thực tế một cách khách quan nếu muốn hoàn thiện quy trình.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo tuoitre.vn)