Một vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân, nhất là những bệnh nhân nghèo trong những ngày qua là nội dung Dự thảo sửa đổi Luật Dược và Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Lâu nay, đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo, chi phí khám, điều trị bệnh trở thành gánh nặng quá sức. Nếu như tới đây giá thuốc được “ghìm cương” và Luật BHYT được sửa đổi theo hướng thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh đối với hộ nghèo, đó sẽ là những cơ hội đối với người nghèo không may bị bệnh.
Trốn viện vì không trả nổi viện phí
Ngày 14-6-2005, Luật Dược chính thức được thông qua. Kể từ đó đến nay, nhiều nghị định, thông tư liên quan được ban hành nhằm “ghìm cương” giá thuốc. Thế nhưng, vấn đề quản lý giá thuốc vẫn bộc lộ hạn chế. Dễ dàng nhận ra hiện tượng cùng một loại thuốc, có công dụng, thành phần như nhau, cùng một nhà phân phối nhưng ở mỗi hiệu thuốc lại có giá bán khác nhau. Trong thực tế, những đợt tăng giá thuốc đã gây tác động mạnh đến tâm lý của người dân, đặc biệt là những hộ nghèo.
Luật Dược và Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi sẽ tạo thêm cơ hội đối với người nghèo không may bị bệnh. Ảnh: Bá Hoạt
Gần đây, với sự ra đời của Thông tư số 01 và 11 về hướng dẫn đấu thầu và lập hồ sơ mời thầu, việc tổ chức đấu thầu thuốc tại các bệnh viện đã được cải thiện, giá của nhiều loại thuốc có chiều hướng giảm. So với trước khi thực hiện theo quy định mới, giá thuốc tại một số bệnh viện đã giảm từ 10 đến 20%, thậm chí, có nơi, chi phí cho việc mua thuốc của người bệnh giảm tới 30%. Tuy nhiên, trong thực tế, với tiêu chí đưa ra là “thuốc trúng thầu có giá rẻ nhất”, những văn bản nói trên đã vô tình mở đường cho thuốc kém chất lượng vào bệnh viện, gây ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng điều trị. Bớt gánh nặng về giá, giờ đây người bệnh lại lo lắng vì nguy cơ phải sử dụng thuốc kém chất lượng thuốc sắp hết hạn sử dụng.
Song hành với nỗi lo về giá và chất lượng thuốc, người bệnh nghèo còn phải đối diện với nỗi lo chi trả viện phí. Theo Luật BHYT hiện hành, nhóm người nghèo, người dân tộc thiểu số khi khám chữa bệnh theo BHYT phải cùng chi trả 5% viện phí, với nhóm người cận nghèo thì mức cùng chi trả là 20%… Áp trách nhiệm cùng chi trả đối với nhóm người nghèo, cận nghèo, mục tiêu của Luật BHYT là lấy thu bù chi, hạn chế việc kê đơn bừa bãi của các bác sĩ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy với nhiều bệnh nhân nghèo, chạy ăn còn chưa đủ thì lấy đâu ra tiền để cùng chi trả viện phí với BHYT. Mặt khác, ranh giới giữa nghèo và cận nghèo hiện khá mong manh, chỉ cần trong gia đình có người lâm bệnh là có thể từ diện cận nghèo chuyển sang nghèo. Ranh giới mong manh ấy, so với biên độ cùng chi trả có sự “giãn nở” tương đối giữa nhóm nghèo (5%) và cận nghèo (20%), rõ ràng có sự thiếu hợp lý.
Thực tế có nhiều chuyện đủ sức minh họa cho những điều nói trên. Một phụ huynh có con bị bệnh tan máu bẩm sinh được điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương kể rằng, dù có thẻ BHYT nhưng gia đình chị vẫn phải trả 20% chi phí khám, chữa bệnh cho con theo quy định. Trung bình, với mỗi một đợt điều trị, gia đình chị phải đóng hơn 20 triệu đồng, đó là chưa kể số tiền mua các loại thuốc ngoài danh mục BHYT chi trả. Thế nên, người bệnh chưa khỏi thì nhà chị đã lâm cảnh khánh kiệt, trong nhà có gì đáng giá đều đã phải bán sạch. Chị nói: “Chữa bệnh thì đâu phải chỉ có mỗi viện phí, còn đủ loại chi phí khác như ăn uống, đi lại, chăm nom người bệnh…”.
Gia cảnh bệnh nhân trên chỉ là một ví dụ cụ thể, thực tế có nhiều cảnh đời bi đát chỉ vì không có tiền chữa bệnh. Tại một số bệnh viện đã có tình trạng bệnh nhân nghèo phải bỏ dở việc điều trị bởi không “bói” đâu ra tiền để cùng chi trả. Tại Bệnh viện Nhi trung ương đã có trường hợp bệnh nhân trốn viện vì không thể trang trải nổi viện phí. Trong khám chữa bệnh, việc bệnh nhân không tuân thủ quy trình khám, chữa bệnh là rất nguy hiểm, có thể dẫn đến nhờn thuốc, bệnh tái phát, nặng hơn…
Cơ hội của người bệnh nghèo
Ông Vũ Xuân Bằng, Phó Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho rằng, việc quy định mức cùng chi trả viện phí đối với người nghèo hay đối tượng cận nghèo đã hạn chế quyền tiếp cận dịch vụ y tế của họ, nhất là với những người mắc bệnh nặng, bệnh mạn tính. Chính vì vậy, để bảo đảm quyền lợi cho người dân khi tham gia BHYT, Dự thảo sửa đổi Luật BHYT đã đưa ra chính sách hỗ trợ nhóm yếu thế: Người thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số được Quỹ BHYT thanh toán 100% thay vì 95% như hiện nay; người thuộc hộ cận nghèo cũng được hưởng BHYT với mức tăng từ 80% lên 95%. Ngoài ra, người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ bản, thân nhân của người có công cũng sẽ được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh thay vì hưởng mức 80% như hiện nay…
Trong khi đó, theo tờ trình của Bộ Y tế, Dự thảo Luật Dược sửa đổi 25/73 điều của luật hiện hành, trong đó bổ sung chính sách ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước, chính sách sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và hiệu quả hơn. Ngoài ra, Hội đồng liên ngành về giá thuốc (gồm Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các đơn vị liên quan) cũng sẽ được thành lập với chức năng tư vấn và phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng các chính sách mới nhằm quản lý giá thuốc chặt chẽ hơn. Mới đây, tại phiên họp Chính phủ về Dự thảo Luật Dược sửa đổi, nhiều đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật Dược phải làm sao “kéo” được giá thuốc xuống, dứt khoát phải đặt quyền lợi của người bệnh lên hàng đầu.
Rõ ràng, với những động thái sửa Luật Dược và Luật BHYT được người dân đón nhận, chờ đợi với niềm hy vọng rõ ràng.
Nguồn: Hà Nội mới
Bảo Hiểm Bảo Việt