DỰ THẢO SỬA ĐỔI LUẬT BHYT: Nâng cao trách nhiệm và quyền lợi người tham gia

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Với dự thảo lần này có nhiều điểm mới, vừa thuận tiện trong quá trình triển khai vừa nâng cao trách nhiệm và quyền lợi của người tham gia… để hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân. Thực hiện BHYT toàn dân được xác định là cơ sở pháp lý cao nhất cho việc thực hiện chính sách BHYT ở Việt Nam.

KCB 210514.jpgSau hơn 20 năm thực hiện chính sách BHYT, trong đó có gần 5 năm triển khai Luật BHYT, toàn tỉnh Bình Thuận có hơn 651.308 người tham gia BHYT, chiếm 53,3% số dân. Ðây là một chính sách an sinh xã hội góp phần giúp người dân, nhất là những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn không may mắc bệnh. Ðồng thời góp phần thực hiện mục tiêu công bằng, hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe cho người dân. Chính sách BHYT ở Việt Nam bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT, đồng thời cũng đảm nhận nhiều chính sách phúc lợi xã hội khác, các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội đều được chăm sóc sức khỏe thông qua quỹ BHYT với sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước. Quỹ BHYT đang dần trở thành nguồn tài chính cơ bản phục vụ cho hoạt động của các bệnh viện, từng bước giảm mức chi trả từ tiền túi của người bệnh cho công tác chăm sóc sức khỏe.Tuy nhiên kết quả triển khai cho thấy, chính sách BHYT vẫn còn nhiều bất cập, như việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT còn hạn chế; tỷ lệ tham gia chưa đầy đủ, tính tuân thủ pháp luật chưa cao. Trong khi đó, chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân nhất là ở tuyến y tế cơ sở. Hầu hết các bệnh viện nhất là ở các cơ sở tuyến tỉnh, tuyến Trung ương đều quá tải; tình trạng KCB vượt tuyến, trái tuyến còn nhiều. Tại Bình Thuận KCB trái tuyến năm 2011: 63.620 lượt, chi phí hơn 67,5 tỷ đồng; năm 2012: 76.734 lượt, chi phí hơn 89,6 tỷ đồng và năm 2013: 81.704 lượt, chi phí hơn 106,5 tỷ đồng.

Thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ, toàn diện và cam kết của cả hệ thống chính trị. Ðể làm được điều đó nhất thiết phải sửa đổi Luật BHYT cho phù hợp thực tiễn. Điểm nổi bật của dự thảo Luật mới quy định “bắt buộc” người dân tham gia BHYT. Nếu không quy định bắt buộc, thì sẽ có nhiều nhóm đối tượng, nhất là các đối tượng khỏe mạnh, có thu nhập cao, ổn định sẽ không tham gia BHYT mà chỉ những người có nguy cơ bệnh tật cao, thậm chí đã mắc các bệnh năng, hiểm nghèo, cần chi phí lớn như ung thư, suy thận mãn, huyết áp, tiểu đường, tim mạch… mới tham gia BHYT tạo nên tình trạng  “lựa chọn ngược”, làm gia tăng khả năng mất cân đối quỹ và ảnh hưởng đến tính bền vững của chính sách BHYT. Trong khi đó bản chất của BHYT là sự chia sẻ, số đông chia sẻ với số ít. Theo kinh nghiệm của nhiều nước thực hiện thành công BHYT toàn dân thì không có nước nào thực hiện được nếu không thực hiện bắt buộc và không có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung lần này cũng sắp xếp lại 25 nhóm đối tượng như hiện nay sẽ chia thành 5 nhóm theo trách nhiệm đóng và định hướng tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình. Việc tham gia BHYT theo hộ gia đình trước mắt được thực hiện với nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng và nhóm tự đóng BHYT để tránh tình trạng lựa chọn ngược, chỉ có người ốm mới tham gia BHYT và không mang tính chia sẽ cộng đồng. BHYT hộ gia đình là con đường nhanh nhất để tiến tới BHYT toàn dân.

 Ngoài ra khái niệm “Gói dịch vụ y tế cơ bản” được BHYT chi trả cũng được đưa ra thảo luận, xin ý kiến. Gói này bao gồm dịch vụ chăm sóc sức khỏe, KCB, phục hồi chức năng, dự phòng. Gói dịch vụ y tế cơ bản đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, phù hợp với khả năng chi trả phù hợp của quỹ BHYT và sẽ xác định minh bạch và rõ ràng hơn những gì khi người tham gia BHYT được hưởng lợi từ chính sách y tế.

Ði liền với trách nhiệm là quyền lợi của người tham gia BHYT cũng sẽ được nâng lên. Cụ thể, sẽ nâng mức hưởng BHYT của người nghèo, dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng kinh tế- xã hội khó khăn, người sinh sống tại vùng kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn từ 95% lên 100%; thân nhân liệt sĩ từ 80% lên 100%; người thuộc hộ gia đình cận nghèo, thân nhân người có công khác từ 80% lên mức 95%. Người tham gia BHYT được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí KCB khi có thời gian tham gia liên tục 5 năm và có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn và thuốc ung thư ngoài danh mục); được KCB tại xã và huyện trên cùng địa bàn không coi là trái tuyến.

Ðáng chú ý, cơ chế thanh toán BHYT đối với những trường hợp đi KCB  vượt tuyến, trái tuyến sẽ được quản lý chặt chẽ hơn. Hiện nay quỹ BHYT đang thanh toán cho người bệnh KCB vượt tuyến, trái tuyến ở mức khá cao. dẫn đến nhiều người bệnh dù bệnh nhẹ vẫn vượt tuyến lên tuyến trên KCB khiến nhiều bệnh viện tuyến trên rơi vào tình trạng quá tải. Ðể khắc phục tình trạng này, trong dự thảo Luật đã bãi bỏ quy định thanh toán chi phí KCB ở nước ngoài, đồng thời giảm tỷ lệ chi trả chi phí KCB vượt tuyến, trái tuyến tại các cơ sở KCB tuyến Trung ương từ 30% xuống 20%.

Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT dự kiến sẽ được trình Quốc hội thảo luận và thông qua trong kỳ họp thứ 7, tháng 5/2014 tới đây.

BS. Minh Thông

Bảo Hiểm Bảo Việt

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.