Báo Đầu tư Chứng khoán số 59 đã có bài viết phản ánh một số quy định chưa hợp lý về đào tạo đại lý bảo hiểm trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngoài những điểm bất cập đó, Dự thảo Nghị định quy định doanh nghiệp bảo hiểm chỉ có thể mở địa điểm kinh doanh trên những địa bàn đã có trụ sở chi nhánh là chưa phù hợp với thực tế, nếu không sửa đổi sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi thực thi.
Cụ thể, Khoản d, Điều 14, Dự thảo Nghị định quy định: “Địa điểm kinh doanh, phòng giao dịch (được gọi là địa điểm kinh doanh) là nơi hoạt động kinh doanh cụ thể, trực thuộc chi nhánh của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, có địa điểm đặt trụ sở trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trụ sở chi nhánh”. Nghĩa là, doanh nghiệp chỉ có thể mở địa điểm kinh doanh trên những địa bàn đã có trụ sở chi nhánh.
Theo các chuyên gia trong ngành, cơ quan chức năng dự kiến đưa ra quy định như vậy với mong muốn quản lý chặt chẽ hơn về nhân sự quản trị của các doanh nghiệp bảo hiểm, vì doanh nghiệp bảo hiểm phải đăng ký với Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính nhân sự quản lý chi nhánh, chứ không cần đăng ký nhân sự quản lý các địa điểm kinh doanh.
Tuy nhiên, việc quản lý nhân sự này hoàn toàn có thể thực hiện được thông qua các hình thức khác, mà không nhất thiết phải quy định “có địa điểm đặt trụ sở trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trụ sở chi nhánh” như trong Dự thảo. Vì quy định như vậy sẽ khiến các doanh nghiệp bảo hiểm phải tốn thêm chi phí cho việc mở và quản lý hoạt động của các chi nhánh ở những địa phương mà doanh nghiệp nhận thấy không cần, hoặc chưa cần có quy mô cấp chi nhánh.
Việc quy định doanh nghiệp bảo hiểm phải thành lập chi nhánh nếu muốn mở địa điểm kinh doanh tại một tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương còn khiến bộ máy quản lý của doanh nghiệp trở nên cồng kềnh. Bởi lẽ, ở mỗi địa phương mà doanh nghiệp bảo hiểm muốn mở văn phòng đều phải có ít nhất 1 chi nhánh, trong khi thực tiễn là không cần có quy mô chi nhánh. Đồng thời, quy định như Dự thảo Nghị định có thể khiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm kém hiệu quả do chi phí cho chi nhánh theo yêu cầu hiện tại là cao hơn so với chi phí cho các đơn vị ở cấp nhỏ hơn chi nhánh.
Trong khi đó, theo xu hướng quản lý hiện đại, đa số các hoạt động của các tổ chức kinh tế (bao gồm các doanh nghiệp bảo hiểm) được quản lý tập trung từ trụ sở chính thông qua nối mạng công nghệ thông tin.
Các doanh nghiệp bảo hiểm cho hay, địa điểm kinh doanh sẽ chủ yếu phục vụ các thủ tục hành chính cho khách hàng và hỗ trợ đội ngũ kinh doanh/đại lý của công ty tại địa phương. Chính vì thế, các doanh nghiệp kiến nghị, pháp luật chỉ nên quy định theo hướng mỗi chi nhánh không được có quá số lượng địa điểm kinh doanh trực thuộc nhất định và địa điểm kinh doanh có thể đặt tại các địa phương mà chi nhánh được phép hoạt động; hoặc giảm các điều kiện áp dụng đối với thành lập chi nhánh so với quy định hiện tại trong Dự thảo Nghị định.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, Tổng giám đốc một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho biết, dự thảo quy định nêu trên về địa điểm kinh doanh là không phù hợp với tình hình phát triển thực tế của các doanh nghiệp cũng như những xu hướng phát triển hiện đại. Chính vì vậy, các công ty bảo hiểm đang kiến nghị Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm bỏ quy định này ra khỏi Dự thảo Nghị định.
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo tinnhanhchungkhoan.vn)