Dự thảo Luật BHXH sửa đổi: Nhiều cải thiện tích cực

Theo bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH), Luật BHXH sửa đổi với mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia; hoàn thiện các chế độ chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của các bên tham gia BHXH; đảm bảo nguyên tắc đóng hưởng, sự bền vững của hệ thống BHXH;… Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Nga xung quanh vấn đề này.

NLD 120814.jpg
Luật BHXH sửa đổi sẽ có nhiều cải thiện có lợi cho NLĐ


Thưa bà, xin bà cho biết những điểm mới cơ bản trong dự án Luật BHXH (sửa đổi) lần này?

Về phạm vi áp dụng, Luật BHXH sửa đổi không áp dụng đối với BH thất nghiệp do BH thất nghiệp đã được quy định trong Luật Việc làm. Về đối tượng tham gia: bổ sung đối tượng làm việc theo hợp đồng lao động từ 1 tháng – dưới 3 tháng; lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam sẽ thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc; mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện theo hướng không khống chế tuổi trần tham gia. Về các chế độ BHXH (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí, tử tuất) đều có cải tiến đảm bảo sự bình đẳng tham gia và thụ hưởng BHXH.

Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đến năm 2012 quỹ BHXH của Việt Nam sẽ mất cân đối thu – chi. Theo bà đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Trước hết, nguyên nhân khách quan là do xu hướng già hóa dân số diến ra rất nhanh trong tương lai gần. Nguyên nhân từ chính sách là do mức đóng chưa tương xứng với mức hưởng, công thức tính lương hưu chưa hợp lý, cách tính mức tiền lương bình quân làm căn cứ tính lương hưu của người lao động trong khu vực nhà nước chỉ tính bình quân trên một số năm cuối. Nguyên nhân từ tổ chức thực hiện như tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH, công tác quản lý đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH còn hạn chế…

Theo bà, để ngăn chặn nguy cơ mất cân đối quỹ BHXH, chúng ta phải thực hiện những giải pháp gì?

Trước hết phải điều chỉnh lại mối quan hệ giữa đóng và hưởng BHXH, đồng thời nâng cao hiệu quả trong tổ chức thực hiện chính sách, mở rộng đối tượng tham gia BHXH, hạn chế nợ đóng, trốn đóng BHXH. Bên cạnh đó, quy định về mở rộng đối tượng thuộc diện áp dụng tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện nhằm tăng phạm vi bao phủ chính sách. Chúng ta cũng phải sửa đổi công thức tính hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH để đảm bảo nguyên tắc cân đối giữa đóng và hưởng. Quy định giới hạn đối với đối tượng được giải quyết BHXH một lần.

Chúng ta phải làm gì để tăng tính tuân thủ, chấn chỉnh tình hình trốn đóng, chậm đóng BHXH, thưa bà?

Đầu tiên phải tiếp tục đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền về hình thức và nội dung nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người sử dụng lao động và NLĐ về quyền và trách nhiệm thực hiện chính sách BHXH. Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, cơ quan chức năng trong thanh, kiểm tra và xử lý các trường hợp nợ đóng BHXH. Áp dụng biện pháp đăng tên các đơn vị nợ đóng BHXH trên báo chí, thành lập tổ chỉ đạo thu nợ BHXH.

Trong Luật BHXH (sửa đổi) lần này, một trong những nội dung cốt lõi là đưa ra các biện pháp nhằm phát hiện sớm, ngăn ngừa tình trạng nợ đóng, chậm đóng và hạn chế tối đa việc chiếm dụng tiền đóng BHXH. Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất đưa vào Bộ Luật Hình sự tội danh trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH để có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các doanh nghiệp cố tình trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động.

– Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo: laodong.com.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.