Sáng nay (6/8), tại TP HCM Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ PVI Sun Life tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Bảo hiểm hưu trí tự nguyện: Cơ hội cho Doanh nghiệp và người lao động”.
Những ý kiến tham dự hội thảo đều cho rằng, hình thức Bảo hiểm hưu trí tự nguyện là một trong những giải pháp cần sớm được triển khai nhằm giảm gánh nặng của quỹ bảo hiểm xã hội, tăng an sinh xã hội và có hiệu quả nhất cho hôm nay lẫn trong tương lai.
Theo ông Michael Stewart Elliott, Tổng giám đốc PVI Sun Life, ở mọi nơi trên thế giới, hệ thống an sinh xã hội sẽ chịu trách nhiệm về lương hưu nhưng không thể đáp ứng cho tất cả mọi cá nhân.
“Ở các thị trường mà tôi đã từng làm việc về hưu trí như Chile, Argentina, Brazil, Mexico, Phần Lan, Hồng Kông, Philippine và nhiều nước khác, tồn tại một hệ thống an sinh gọi là hệ thống 3 trụ cột. Trụ cột thứ nhất đó là hệ thống an sinh xã hội lo về các phúc lợi cho người dân, nhưng nó không hiệu quả. Trụ cột thứ 2 là hưu trí tự nguyện do chủ doanh nghiệp mua. Và trụ cột thứ 3 đó là tiết kiệm của cá nhân. Việt Nam đang rất tích cực trong việc phát triển trụ cột thứ 2 đó là hưu trí tự nguyện. Vì thế cơ hội ở Việt Nam là rất tốt”, ông Michael Stewart Elliott chia sẻ.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia tài chính, TS Đinh Thế Hiển cho rằng, ngoài nhũng lợi ích như trên thì hưu trí tự nguyện còn là kênh huy động vốn quan trọng giúp phát triển đất nước, đồng thời cũng là kênh đầu tư an toàn và lợi ích cho chính người lao động…
“So sánh với kênh tiền gửi ngân hàng với lãi suất 7%/năm, mỗi tháng đầu tư 1 triệu đồng, sau 30 năm người gửi tiền sẽ thu được 5,6 triệu/ tháng, thì nếu cũng với số tiền 1 triệu đồng/ tháng và sau 30 năm, người tích lũy tiền qua kênh bảo hiểm hưu trí tự nguyện sẽ có mức sống cao gấp 3-6 lần so với người chọn kênh tiền gửi”, ông Hiển tính tóan.