Đối thoại doanh nghiệp: “Nóng” vấn đề bảo hiểm xã hội

Sáng 16-1, tại hội nghị đối thoại lãnh đạo Sở Lao động- Thương binh – Xã hội TP HCM và Bảo hiểm xã hội TP.HCM đã giải đáp nhiều vướng mắc liên quan đến chế độ bảo hiểm, tiền lương, hợp đồng lao động… cho doanh nghiệp.

Đại diện doanh nghiệp đặt câu hỏi tại hội nghị đối thoại. Ảnh: T.D.

Liên quan đến vướng mắc về việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động theo Luật Bảo hiểm xã hội mới, đại diện Bảo hiểm Xã hội TP.HCM cho biết, kể từ ngày 1-1-2015, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trong tất cả các cơ quan, đơn vị (không phân biệt số lượng lao động đang sử dụng) đều thuộc đối tượng đồng thời tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc.

Các cơ quan, đơn vị có sử dụng lao động theo chế độ hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên trước tháng 1-2015 mà hợp đồng lao động tiếp tục có giá trị trong năm 2015 mà chưa được tham gia bảo hiểm thất nghiệp phải được cơ quan, đơn vị lập thủ tục tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 1-2015. Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng cho người lao động và trích từ tiền lương hằng tháng của người lao động để đóng với tỉ lệ đóng là 32,5%. Trong đó, người sử dụng lao động đóng 22%, người lao động đóng 10,5%.

Trả lời vướng mắc của Công ty TNHH Xây dựng khai thác đá Tấn Tài về việc chốt sổ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp cho người lao động như thế nào khi doanh nghiệp còn nợ tiền bảo hiểm xã hội, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết, theo quy định tại Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội và điều 47 Luật Lao động, khi người lao động nghỉ việc đúng pháp luật, chậm nhất là 30 ngày kể từ khi có quyết định thôi việc, đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm lập thủ tục chốt sổ để trả cho người lao động. Theo đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ thực hiện chốt sổ cho người lao động đến thời điểm doanh nghiệp đóng tiền bảo hiểm xã hội.

Đối với doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật còn nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nếu có người lao động chuyển nơi làm việc thì cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội trên sổ bảo hiểm xã hội của người lao động đến thời điểm doanh nghiệp đã đóng bảo hiểm xã hội để người lao động tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tại đơn vị mới, sau khi thu hồi được khoản nợ của doanh nghiệp thì xác nhận bổ sung thời gian đóng bảo hiểm xã hội trên sổ của người lao động.

Tại hội nghị nhiều doanh nghiệp cho biết cũng đang gặp vướng mắc trong việc giải quyết chế độ thai sản, ốm đau cho người lao động. Theo lãnh đạo Bảo hiểm xã hội TP.HCM, căn cứ theo Luật Bảo hiểm xã hội, trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ có liên quan từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm giải quyết chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động. Sau đó công ty sẽ lập thủ tục để quyết toán trợ cấp ốm đau thai sản đã được chi trả cho người lao động với bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm xã hội sẽ chuyển tiền cho đơn vị trong 30 ngày đầu của quý sau (sau khi đã trừ 2% đơn vị giữ lại). Thời gian giải quyết hồ sơ ốm đau, thai sản là 15 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan Bảo hiểm xã hội nhận đủ hồ sơ theo quy định.

Đối với các trường hợp bị sai thông tin nhân thân (đối với sổ cũ), cơ quan Bảo hiểm xã hội cho biết, người lao động khi nộp hồ sơ điều chỉnh cần có chứng minh nhân dân để đối chiếu. Cơ quan BHXH TP.HCM cũng vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị sử dụng lao động khi lập thủ tục tăng mới đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phải kiểm tra, đối chiếu hồ sơ nhân thân với chứng minh nhân dân để xác nhận xem có đúng là của người lao động hay không. Việc này nhằm ngăn ngừa tình trạng mượn hồ sơ của người khác để xin việc làm và đăng kí bảo hiểm xã hội.

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo baohaiquan.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.