Để tránh phiền hà cho người lao động khi đi khám, chữa bệnh, BHXH Việt Nam cũng đã tăng cường đổi mới công tác cấp, quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT.
Tính đến hết ngày 30-4, tại Việt Nam đã có khoảng 13,15 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc; 11,23 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); BHXH tự nguyện là 237 nghìn người và bảo hiểm y tế (BHYT) là 76,27 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ là 82,01% dân số. Lũy kế từ đầu năm đến nay ước đạt 83.467 tỷ đồng.
Đây là thông tin vừa được BHXH Việt Nam cung cấp tại Hội nghị thông tin định kỳ, diễn ra vào chiều 23-5, tại Hà Nội.
Cải cách thủ tục tránh phiền hà cho người dân
Trong 4 tháng đầu năm 2017, BHXH Việt Nam đã giải quyết chế độ BHXH cho trên 2,79 triệu lượt người; giải quyết cho trên 250 nghìn lượt người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp; thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho 47,4 triệu lượt người. Ước chi BHXH, BHYT, BHTN đến ngày 30-4 là 77.196 tỷ đồng.
Để tránh phiền hà cho người lao động khi đi khám, chữa bệnh, BHXH Việt Nam cũng đã tăng cường đổi mới công tác cấp, quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT.
Theo đó, trường hợp người lao động đề nghị cấp lại sổ BHXH do cũ, hỏng, sẽ không cần nộp lại sổ cũ. Thời gian cấp mới, xin xác nhận sổ BHXH được điều chỉnh thời hạn từ 7 ngày xuống còn 5 ngày; thời gian cấp lại sổ BHXH do thay đổi thông tin trên thẻ, cộng nối thời gian hoặc gộp sổ sẽ chỉ còn không quá 10 ngày, theo quy định cũ là 15 ngày.
Trường hợp, người tham gia BHXH, BHYT đang trong thời gian điều trị có đơn đề nghị thì in trả thẻ ngay cho người lao động tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có thẻ BHYT để khám chữa bệnh ngay. Trên thẻ BHYT bỏ quy định về thời hạn sử dụng thẻ mà sẽ chỉ ghi thời điểm có giá trị sử dụng để người lao động có thể sử dụng thẻ dài hạn. Đối tượng sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, cựu chiến binh khi chuyển sang đối tượng hưu trí sẽ được đổi thẻ để vẫn được hưởng quyền lợi của đối tượng cựu chiến binh.
Liên tiếp phát hiện những hành vi trục lợi quỹ BHYT
Qua công tác giám sát, theo dõi tình hình sử dụng quỹ khám chữa bệnh trên toàn quốc thông qua Hệ thống thông tin giám định BHYT, ngành BHXH Việt Nam đã phát hiện các bất thường về tần suất khám chữa bệnh, chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh; các tỉnh, các cơ sở khám chữa bệnh gia tăng chi phí đột biến, qua đó kịp thời giám định, xử lý các trường hợp lạm dụng, trục lợi BHYT.
Trong 4 tháng đầu năm, đã có trên 46,8 triệu hồ sơ đề nghị thanh toán BHYT với trên 17.000 tỷ đồng. Hệ thống tự động phát hiện và từ chối trên 10% hồ sơ đề nghị thanh toán với số tiền gần 3.000 tỷ đồng do sai thông tin về thẻ BHYT, sai mức hưởng, đề nghị thanh toán trùng lặp hoặc chỉ định thuốc, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật ngoài phạm vi hưởng BHYT, dữ liệu mã hóa không đúng danh mục dùng chung…
Những dấu hiệu bất thường như kéo dài ngày nằm viện, đề nghị thanh toán không đúng quy định, chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh quá mức cần thiết, không đúng quy trình kỹ thuật, áp sai giá dịch vụ, tách dịch vụ để thanh toán cũng đã liên tiếp bị phát hiện. Điển hình như kéo dài ngày nằm viện của bệnh nhân phẫu thuật thay thủy tinh thể một mắt đơn thuần thì Bệnh viện Mắt Thanh Hóa là 7,1 ngày, Bệnh viện Mắt Thái Nguyên là 6,3 ngày, Bệnh viện Mắt Sơn La là 7,5 ngày, chênh lệch tiền giường là trên 1,9 tỷ đồng.
Hệ thống cũng đã phát hiện trong 4 tháng đầu năm có tới 2.776 người đi khám chữa bệnh từ 50 lần trở lên, với 160.374 lượt, trong đó người khám nhiều nhất là 123 lần kể cả ngày nghỉ, ngày lễ tết; 195 trường hợp thường xuyên đến khám tại 4 cơ sở khám, chữa bệnh trở lên với số tiền trục lợi trên 7,7 tỷ đồng.
Điển hình là bà Mã Bửu Ng (TP Hồ Chí Minh) đã đi khám 57 lần tại 13 cơ sở y tế, tổng chi phí 39,5 triệu đồng, thường xuyên đi khám 2 đến 3 lần/ngày tại các cơ sở y tế tuyến huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và được cấp, phát nhiều loại thuốc điều trị khác nhau…
Hay trường hợp của ông Nguyễn Văn H mỗi ngày đi khám tại 2-3 cơ sở y tế (khám 58 lần tại 15 cơ sở y tế, tổng chi phí 30,8 triệu đồng) và được chẩn đoán, cấp thuốc điều trị các bệnh lí khác nhau như tăng huyết áp, bệnh hô hấp…
theo cand.com.vn