Thời gian qua, hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) đã được triển khai chủ động và đồng bộ, góp đưa các chính sách vào cuộc sống cũng như nâng cao ý thức của nhân dân trong việc tham gia BHXH, BHYT.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).
Ông Nguyễn Đình Khương – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, năm 2015, dù còn nhiều khó khăn nhưng công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật BHXH, BHYT đã được triển khai chủ động, đồng bộ và thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Không chỉ phong phú về nội dung, hoạt động này còn đa dạng về hình thức, vừa có bề rộng, vừa có chiều sâu. Nhờ vậy, hầu như mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT đều đã được triển khai thực hiện. Ngoài ra, những nội dung, quy định mới của Luật BHXH (sửa đổi), Luật BHYT (sửa đổi, bổ sung) đã được kịp thời tuyên truyền, phổ biến đến các cấp, các ngành và đông đảo người dân.
Để đáp ứng được yêu cầu của công tác tuyên truyền theo các nhóm đối tượng tại cơ sở, trong năm qua, BHXH Việt Nam đã phối hợp 14 bộ, ngành, tổ chức chính trị – xã hội mở 60 lớp tập huấn cho các nhóm đối tượng tại các cơ sở; tổ chức 3 lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo và BHXH tỉnh; 47 hội nghị đối thoại trực tiếp với người lao động, chủ sử dụng lao động và nông dân trên địa bàn cả nước. Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá kết quả sơ kết 3 năm thực hiện công tác tuyên truyền Nghị quyết 21 ngày 22.11.2012 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn tăng cường công tác tuyên truyền BHXH cho người lao động và BHYT toàn dân. Đồng thời, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng văn bản định hướng nội dung thông tin về BHXH, BHYT trên báo chí và trên hệ thống thông tin cơ sở… Theo đánh giá của ông Kiều Văn Minh – Giám đốc Trung tâm Truyền thông (BHXH Việt Nam), công tác phối hợp tuyên truyền giữa BHXH Việt Nam và các cơ quan báo, đài đã được tiến hành mạnh mẽ, chủ động với độ bao phủ rộng, tần suất tăng, đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin về BHXH, BHYT của người dân.
Bên cạnh đó trong năm 2015, BHXH Việt Nam đã tiến hành tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng, kiến thức cho cán bộ tuyên truyền trong ngành và cộng tác viên ngoài ngành. BHXH các tỉnh cũng chủ động biên soạn, in ấn và phát hành hàng chục nghìn loại ấn phẩm, tờ rơi tuyên truyền về BHXH, BHYT cho các nhóm đối tượng trên địa bàn…
Nhiệm vụ trọng tâm
Có thể thấy, năm 2015, công tác tuyên truyền của ngành BHXH đã được nâng lên; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp của các bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể, các cơ quan truyền thông và các địa phương. Đặc biệt, nhiều địa phương đã sáng tạo và lựa chọn được các hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc thù dân cư, địa lý, tập quán sinh hoạt và văn hóa. Những hoạt động này đã góp phần quan trọng trong việc đưa các chính sách về BHXH, BHYT đi vào cuộc sống cũng như nâng cao ý thức của nhân dân trong việc tham gia chính sách này.
Năm 2016, BHXH Việt Nam tiếp tục xác định công tác truyên truyền là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Theo đó, BHXH Việt Nam sẽ tăng cường các nguồn lực và huy động sự vào cuộc của toàn ngành để đưa công tác tuyên truyền chuyển biến mạnh mẽ theo hướng thiết thực, hiệu quả, tần suất thông tin cao, phạm vi thông tin được thực hiện rộng rãi đến tất cả các nhóm đối tượng và địa bàn… Đây là giải pháp nhằm giúp người lao động và nhân dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ hơn về chính sách BHXH, BHYT và góp phần thực hiện thành công tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành.
Đề cập đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, ông Kiều Văn Minh cho rằng, phải đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền thông qua các cuộc tọa đàm, đối thoại, tuyên truyền lưu động. Cùng với đó, chủ động và kịp thời biên soạn, xuất bản và phát hành các ấn phẩm tuyên truyền, phát huy vai trò của hệ thống Trang tin điện tử ngành BHXH từ Trung ương đến địa phương./.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo baohiemxahoi.gov.vn)