(VnMedia) – Theo ông Trần Đình Liệu, Trưởng ban Thu, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, nguyên tắc của Luật Bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp đóng bao nhiêu thì cơ quan bảo hiểm sẽ giải quyết bấy nhiêu. Tuy nhiên, phải khẳng định một điều rằng, nếu doanh nghiệp trốn đóng BHXH thì người bị thiệt hại trước tiên là người lao động.
Người lao động bị thiệt hại nặng nhất
Hiện nay, câu chuyện về việc các doanh nghiệp đua nhau “trốn” đóng BHXH đang thu hút khá nhiều người quan tâm, đặc biệt là những doanh nghiệp làm sản xuất tại những khu công nghiệp.
Theo báo cáo của BHXH tỉnh, thành phố, tính đến hết tháng 8/2014, có 47.315 đơn vị với gần 674.000 lao động tham gia bảo hiểm xã hội còn nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với số tiền nợ là 11.562 tỷ đồng, bằng 6,49% kế hoạch giao thu. Trước con số đáng báo động này, nhiều người lao động đã không khỏi tỏ ra lo lắng về quyền lợi của mình, sau khi doanh nghiệp bỏ “trốn” đóng bảo hiểm.
Người lao động bị thiệt hại nhiều nhất khi doanh nghiệp trốn đóng BHXH. Ảnh minh họa |
Chia sẻ với PV về vấn đề này, ông Trần Đình Liệu, Trưởng ban Thu, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, hiện nay về nguyên tắc của luật bảo hiểm xã hội cả cũ và mới đều quy định, doanh nghiệp có đóng thì sẽ có hưởng, nghĩa là thu đến đâu thì giải quyết đến đây. Tuy nhiên, phải khẳng định một điều rằng, nếu doanh nghiệp trốn đóng BHXH thì người bị thiệt hại trước tiên là lao động.
Cũng theo ông Liệu, đến thời điểm này, phần nợ đọng BHXH của các doanh nghiệp vẫn chưa có chế tài để xử lý. “Đây là vấn đề khá nan giải. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị với Chính phủ và Quốc hội, để tìm giải pháp tốt nhất nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động”, ông Liệu chia sẻ.
Chia sẻ của ông Liệu cho thấy, hiện nay cái khó khăn lớn nhất trong việc thu BHXH là khâu tuyên truyền phổ biến pháp luật của các doanh nghiệp chưa đủ mạnh. Cùng với đó, ý thức của doanh nghiệp cũng chưa chấp hành. Đặc biệt, nhiều người lao động chưa nắm rõ quyền lợi của mình. Đây là 3 khâu tuyên truyền cần được sự đột phá để làm sao việc thu, nộp BHXH được thuận tiện hơn.
Liên quan đến câu hỏi về những cơ chế phân chia đóng tiền BHXH hiện nay, ông Liệu cũng cho biết, theo quy định, chủ sử dụng lao động phải có nghĩa vụ đóng 2/3 số tiền phải đóng cho người lao động, còn người lao động chỉ đóng 1/3 trong tổng số tiền BHXH phải đóng trích từ tiền lương, tiền công.
Số tiền đóng BHXH, doanh nghiệp sẽ được hạch toán vào giá thành, sản phẩm và tính vào chi phí để giảm trừ thuế. Như vậy, với chính sách này, rõ ràng doanh nghiệp phải có nghĩa vụ đóng cho người lao động, khi người lao động sản xuất ra hàng hoá và công hiến sức lao động.
Riêng đối với những trường hợp doanh nghiệp làm ăn không có lãi, phải ngừng sản xuất và ngừng đóng bảo hiểm cho người lao động, ông Liệu cho biết, theo luật bảo hiểm xã hội, khi doanh nghiệp gặp khó khăn thì có quyền dừng tham gia đóng BHXH, BHYT của đối tượng dài hạn (hưu trí và tử tuất), còn chính sách ngắn hạn (ốm đau, thai sản, dưỡng sức) thì vẫn phải tham gia.
“Rõ ràng, Nhà nước đã tạo điều kiện chính sách cho doanh nghiệp, để những đơn vị này có thể tập trung vào phát triển. Tuy nhiên, chính sách này chỉ thực hiện tối đa trong 1 năm, còn sau 1 năm thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm đóng lại toàn bộ số tiền nợ đọng BHXH đó”, ông Liệu nói.
Thi hành án trong việc trốn đóng bảo hiểm còn khó khăn
Hiện nay, chế độ BHXH đang được xem là một trong những tiêu chí đế đánh giá về sự văn minh và phát triển của một xã hội. Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng BHXH tràn lan đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.
Để khắc phục tình trạng này, luật BHXH đã đưa ra những quy định về công tác thi hành án dân sự trong lĩnh vực BHXH.
Theo quy định của pháp luật, cơ quan BHXH tham gia tố tụng dân sự với 2 tư cách đó là bị đơn dân sự (bị đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra) hoặc là nguyên đơn dân sự (nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại).
Với tư cách là nguyên đơn dân sự, theo báo cáo của BHXH các tỉnh, từ năm 2010 – 2013, cơ quan BHXH đã khởi kiện 3.976 doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa án, với số nợ là 1.788 tỷ đồng. Tổng số tiền thu được trên 736 tỷ đồng, trong đó, số tiền thu được qua hòa giải là 266 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 15%); qua xét xử là 470 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 26%).
Trong số 1.021 vụ có bản án, quyết định của tòa án chuyển cho cơ quan thi hành án, cơ quan thi hành án đã giải quyết được 722 vụ, còn 299 vụ không được thi hành án (chiếm 29%).
Qua số liệu trên cho thấy, thực tế hiện nay còn một số lượng lớn các bản án, quyết định của Tòa án trong lĩnh vực BHXH không được thi hành. Điều này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính nghiêm minh của pháp luật, cũng như ảnh hưởng đến quyền và lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước.
Lý giải về tình trạng này, ông Trần Văn Đạt – Phó Vụ Trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật – Bộ Tư Pháp cho rằng, hiện nay, một số đơn vị nợ BHXH có trụ sở chính ở một tỉnh xác định, nhưng lại có chi nhánh ở nhiều tỉnh khác nhau, tham gia BHXH tại nhiều tỉnh khác nhau nên khó khăn cho công tác khởi kiện. Thậm chí, nhiều đơn vị nợ BHXH bị khởi kiện sau khi được toàn án hòa giải thành công, với lộ trình trả nợ cụ thể nhưng không thực hiện đúng cam kết với cơ quan BHXH.
Cũng theo ông Đạt, có trường hợp nợ BHXH vẫn đang hoạt động nhưng không thi hành án, khi cơ quan BHXH yêu cầu cơ quan thi hành án áp dụng các biện pháp đảm bảo như tạm giữ tài sản, giấy tờ và các biện pháp khác nhưng cũng không khả thi.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo vnmedia)