Theo ông Olin McGill, chuyên gia nghiên cứu của USAID, để thực hiện được mục tiêu này Việt Nam sẽ phải khắc phục một số hạn chế đang còn tồn tại. Cụ thể, cần sớm thực hiện kết nối dữ liệu thông tin giữa các Bộ, ngành; xây dựng ngân hàng dữ liệu quốc gia (hiện nay mức độ tương thích phần mềm quản lý giữa các cơ quan quản lý hiện rất thấp, mỗi cơ quan sử dụng một loại dữ liệu mã hóa..); thống nhất trong việc sử dụng số định danh (số đăng ký kinh doanh, mã số thuế doanh nghiệp, mã số thuế cá nhân, số chứng minh thư…)
Để thực hiện các mục tiêu trên, Nghị quyết của Chính phủ đã nêu rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương. Tại hội thảo, đại diện của Bộ Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chia sẻ nhiều ý kiến về kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp. Liên quan đến các thủ tục hành chính thực hiện BHXH, BHYT của doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh chia sẻ thông tin: BHXH Việt Nam đã giảm từ 263 thủ tục xuống còn 111 thủ tục hành chính liên quan BHXH, BHYT. Liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp có 10 thủ tục. BHXH Việt Nam đang thí điểm thực hiện khai báo thông tin qua mạng internet tại 10 tỉnh, thành phố; tại TP. Hồ Chí Minh đã có khoảng 33.000 doanh nghiệp đăng ký thực hiện. Tháng 8/2014, BHXH Việt Nam sẽ tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm và sớm triển khai trên cả nước.
Qua kiểm tra rà soát, số giờ doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục liên quan đến BHXH, BHYT đã giảm từ 335 giờ xuống còn 108 giờ/năm, giảm 66,77%. Một kết quả khá tích cực. Thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính, xin ý kiến các Bộ, ngành, Chính phủ, Quốc hội sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật theo tinh thần giảm bớt các thủ tục không cần thiết. BHXH Việt Nam sẽ xây dựng phần mềm hỗ trợ việc khai báo thông tin tương tích với phần mềm kế toán của doanh nghiệp; triển khai tập huấn cho cán bộ chuyên trách công tác BHXH, BHYT của doanh nghiệp…
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh cũng nhấn mạnh, để thuận lợi trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến BHXH, BHYT các doanh nghiệp cũng phải đăng ký và sử dụng chữ ký số, bảo đảm có thể giao dịch qua mạng; ổn định cán bộ phụ trách về công tác BHXH, BHYT….
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, để có thể rút bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân, việc xây dựng mã số định danh công dân cần sớm được thực hiện. Mã số định danh công dân sẽ bảo đảm liên thông dữ liệu quản lý giữa các Bộ, ngành; các thủ tục hành chính liên quan đến thuế, BHXH, BHYT…của các doanh nghiệp, người dân sẽ được thực hiện dễ dàng. Môi trường kinh doanh của Việt Nam vì vậy sẽ được cải thiện tích cực hơn./.