Doanh nghiệp bảo hiểm tìm kiếm kênh bán hàng mới

Khi chi phí dành cho bancassurance ngày càng đắt đỏ, việc phát triển và quản lý kênh đại lý tồn tại nhiều vấn đề, các công ty bảo hiểm buộc phải tích cực tìm kiếm thêm kênh bán hàng mới hiệu quả hơn.

Bên cạnh việc tận dụng sự phát triển của công nghệ để phát triển các mô hình bán hàng mới, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã tìm cách tận dụng tối đa các mối quan hệ chéo với đối tác để hợp tác bán hàng.

Chẳng hạn, mới đây, Manulife Việt Nam và Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Long đã kí kết Bản ghi nhớ cho phép 2 công ty bảo hiểm cùng tham gia nhiều hình thức hợp tác đa dạng trong tương lai.

Theo ông Phan Quốc Dũng, Tổng giám đốc Bảo Long, đây là lần hợp tác đầu tiên của Bảo Long với một công ty bảo hiểm nước ngoài.

“Công ty tin rằng Bản ghi nhớ này sẽ mở đường cho các cơ hội kinh doanh bền vững và hiệu quả nhằm mang đến cho khách hàng các sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm tốt nhất”, ông Dũng cho biết.

Việc một công ty bảo hiểm nhân thọ hợp tác với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ để cùng chia sẻ và khai thác khách hàng, cũng như hệ thống kênh bán hàng không phải chuyện quá mới trên thị trường bảo hiểm Việt Nam. Theo đó, sự hợp tác chéo này thường là của các công ty con trong cùng một hệ thống. Chẳng hạn BIC và Metlife có thể cùng khai thác kênh bancassurence tại BIDV và chia sẻ với nhau thông tin khách hàng.

Sự hợp tác giữa Bảo Long và Manulife Việt Nam cũng là hợp tác chéo giữa các đối tác, bởi Manulife Việt Nam và Ngân hàng SCB đang là đối tác độc quyền, trong khi đó, SCB đang nắm gần 60% vốn của Bảo Long và có quyền chi phối tại công ty này. Bảo Long được xếp hạng thứ 11 trong 30 công ty trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ về thị phần bảo hiểm và cung cấp phần lớn các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ trên thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Theo các chuyên gia trong ngành, sự hợp tác chéo giữa các đối tác giữa bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ đưa thị trường bảo hiểm phát triển và nâng lên một tầm cao mới.

Trước đó, Đầu tư Chứng khoán đã từng đề cập đến việc một tập đoàn tài chính nước ngoài đang tìm hiểu và muốn hợp tác với một công ty bảo hiểm phi nhân thọ trong nước để thành lập sàn giao dịch điện tử bán sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của tập đoàn này và bán bảo hiểm phi nhân thọ của nhiều hãng bảo hiểm khác.

Theo dự báo của các chuyên gia trong ngành, thị trường bảo hiểm khu vực châu Á sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt đối với thị trường bảo hiểm nhân thọ. Trong đó động lực chính đến từ các thị trường mới nổi với tăng trưởng kinh tế tích cực, dân số gia tăng nhanh, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, thu nhập của người dân được nâng cao và tỷ lệ thâm nhập ngày càng cao của ngành bảo hiểm.

Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp bảo hiểm cần có sự chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu của thị trường, tạo lợi thế cạnh tranh thu hút khách hàng.

Tại một số thị trường, việc bán hàng dựa vào kênh truyền thống đang bị lép vế khi công nghệ phát triển tạo ra các mô hình phân phối mới. Việt Nam sẽ sớm đi theo xu thế này, tuy nhiên, trước mắt, kênh đại lý vẫn sẽ là lực lượng tiên phong của các công ty bảo hiểm.

Bên cạnh đó, với kênh bancassurance, dù hiệu quả khai thác chưa cao, trong khi chi phí hợp tác phát triển ngày càng đắt đỏ, nhưng đây vẫn là mô hình bán bảo hiểm được nhiều doanh nghiệp bảo hiểm lựa chọn.

“Có thể thời gian tới, thị trường sẽ chứng kiến thêm những cái bắt tay hợp tác trong mô hình này. Tùy tình hình thị trường mà mỗi doanh nghiệp sẽ lựa chọn cách hợp tác khác nhau. Chẳng hạn, nếu ký kết độc quyền, có doanh nghiệp bảo hiểm chọn hợp tác cùng ngân hàng trong 10 năm, doanh nghiệp khác lại chọn hợp tác 5 năm, hoặc có những phương thức linh hoạt hơn”, một chuyên gia trong ngành cho biết.

theo vnexpress.net

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.