Doanh nghiệp bảo hiểm: Tấm lá chắn của nền kinh tế

Nhìn từ góc độ chung của nền kinh tế năm 2016 có thể thấy mặc dù còn nhiều khó khăn thử thách, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đã và đang duy trì được tốc độ tăng trưởng khả quan. Trước những thiệt hại không thể đo đếm được do tình trạng thiên tai, sự cố môi trường biển… một lần nữa ngành bảo hiểm được nhìn nhận là tấm lá chắn không thể thiếu của nền kinh tế.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo số liệu ước tính của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), hết tháng 11/2016, tổng doanh thu phí của toàn ngành bảo hiểm ước đạt 77.282 tỷ đồng, tăng 23,01% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 33.518 tỷ đồng (tăng 14,15%); doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 43.764 tỷ đồng (tăng 30,8%). Đáng chú ý là các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 182.567 tỷ đồng, tăng 19,16% so với cùng kỳ năm 2015

Cũng theo Cục Quản lý và giám sát Bảo hiểm, đến hết năm 2016, tổng doanh thu ngành bảo hiểm ước đạt con số 85.491 tỷ đồng (tăng 22% so với năm 2015). Doanh thu phí bảo hiểm trên lĩnh vực nhân thọ và phi nhân thọ đều sẽ có mức tăng mạnh so với năm 2015. Dự kiến ngành bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế số tiền 185.772 tỷ đồng (tăng 16% so với năm 2015). Một số liệu khác đáng chú ý là dự kiến mức chi trả bảo hiểm cả năm 2016 ước đạt 26.737 tỷ đồng, giảm chút ít so với năm 2015.

Các chuyên gia đánh giá trong bối cảnh kinh tế xã hội năm 2016 có nhiều khó khăn, thậm chí là đột xuất song các doanh nghiệp bảo hiểm trên địa hạt nhân thọ và phi nhân thọ đều có sự phát triển bền vững. Về bảo hiểm phi nhân thọ, các nghiệp vụ bảo hiểm chiếm thị phần lớn gồm bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tài sản thiệt hại, bảo hiểm cháy nổ.

Đáng chú ý là lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ngày càng khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường với mức tăng tính riêng 9 tháng đầu năm, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đạt 34.394 tỷ đồng (tăng đến 30,9% so với cùng kỳ 2015). Kết quả này khẳng định người dân đã ngày một quan tâm tới bảo hiểm nhân thọ. Đặc biệt hợp đồng nhóm tăng khá cao với chủ yếu là các sản phẩm bảo hiểm hưu trí (chiếm 93%). Như vậy, bảo hiểm hưu trí tự nguyện tuy mới được triển khai nhưng đã dần thu hút được sự quan tâm của người dân.

Bằng việc tăng cường chất lượng dịch vụ khách hàng, đặc biệt là các chính sách nhằm khuyến khích và gắn kết với khách hàng truyền thống, doanh nghiệp bảo hiểm đã ngày một củng cố niềm tin của khách hàng. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã thực hiện việc chia lãi cho khách hàng/người thụ hưởng, tổng số lãi chia là 1.331 tỷ đồng, tăng 19,4%.

Với mục đích bảo vệ con người trước các rủi ro về sức khỏe, tính mạng kết hợp với yếu tố tiết kiệm, đầu tư, đến nay các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã thực hiện việc chi trả với tổng số tiền là 6.422 tỷ đồng, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm trước.

Có thể thấy mặc dù còn nhiều khó khăn thử thách, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm đã và đang duy trì được tốc độ tăng trưởng khả quan, tăng cường sức mạnh nội lực, phát triển theo chiều sâu để có được thành quả bền vững. Bên cạnh đó, trước những thiệt hại không thể đo đếm được do tình trạng mưa lớn, triều cường, hạn hán, xâm nhập mặn, bão lũ, các sự cố môi trường biển…, một lần nữa ngành bảo hiểm được nhìn nhận là tấm lá chắn không thể thiếu của nền kinh tế.

Theo dự đoán của các chuyên gia bảo hiểm, năm 2017, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định khoảng 20%. Trong một vài năm tới, nhiều khả năng, ngành bảo hiểm sẽ cán mốc doanh thu 100.000 tỷ đồng (chưa kể doanh thu từ đầu tư)

theo tapchitaichinh.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.