CEO “tạm” ngang chuẩn CEO
Dự thảo Thông tư 124 sửa đổi quy định, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài (gọi chung là doanh nghiệp bảo hiểm) muốn thay đổi tổng giám đốc (giám đốc) nhưng chưa tìm được người thay thế và dự kiến tạm thời giao quyền điều hành doanh nghiệp cho một cá nhân (gọi tắt là CEO “tạm” – PV) thì cá nhân đó phải đáp ứng các tiêu chuẩn tương tự tiêu chuẩn của chức danh tổng giám đốc (giám đốc) của doanh nghiệp bảo hiểm. Ngoài ra, doanh nghiệp phải gửi Bộ Tài chính một bộ hồ sơ đề nghị và được sự chấp thuận của Bộ Tài chính.
Một số doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng, quy định về tiêu chuẩn tương đương nêu trên có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tìm nhân sự cho vị trí CEO trong thời gian tạm khuyết. Nên quy định CEO “tạm” đáp ứng một số tiêu chuẩn như: là cá nhân trong Ban giám đốc/Ban điều hành tại doanh nghiệp đó; có thời gian công tác ít nhất là 3 năm tính đến thời điểm đề xuất bổ nhiệm dự kiến. Quan điểm trên được Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đồng tình.
Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nước ngoài thì băn khoăn về quy định, ngoài phê chuẩn của Bộ Tài chính, doanh nghiệp còn phải tiến hành xin giấy phép lao động cho người được bổ nhiệm mới. Bởi thực tế, người được bổ nhiệm mới trong khối doanh nghiệp này thường là chuyên gia nước ngoài.
Manulife Việt Nam cho biết, Điều 7, Nghị định 102/2013/NĐ-CP ngày 5/9/2013 về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam quy định, các trường hợp là di chuyển nội bộ của 11 ngành dịch vụ trong biểu cam kết WTO (bao gồm cả bảo hiểm) thì không cần phải được cấp giấy phép lao động. Vậy nhưng, thực tế thời gian qua, các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài vẫn phải xin giấy phép lao động trong trường hợp này.
Vì vậy, Manulife Việt Nam kiến nghị, Thông tư 124 (sửa đổi) nên quy định: “Đối với các trường hợp bổ nhiệm là di chuyển nội bộ theo quy định của luật lao động, phê chuẩn của Bộ Tài chính đối với việc bổ nhiệm chủ tịch, tổng giám đốc cũng đồng thời là giấy phép lao động theo quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, đề xuất của Manulife Việt Nam nêu trên được cho là khó khả thi, bởi Bộ Tài chính không phải là cơ quan có thẩm quyền duyệt giấy phép lao động.
Hạn tối đa được phép khuyết CEO là bao lâu?
Thời hạn tối đa được phép khuyết CEO chưa được quy định trong dự thảo Thông tư 124 sửa đổi. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đề xuất, thời gian tạm thời điều hành đối với CEO “tạm” không được quá 1 năm.
Bảo hiểm Phú Hưng đồng tình về việc tạm thời giao quyền điều hành doanh nghiệp không được kéo dài quá 1 năm.
Nhưng theo Great Eastern, thời hạn tối đa mà doanh nghiệp bảo hiểm phải bổ nhiệm tổng giám đốc chính thức (thông qua việc gửi hồ sơ xin phê chuẩn chính thức lên Bộ Tài chính) nên là 6 tháng kể từ ngày có sự thay đổi. Trong trường hợp đã hết thời hạn nói trên mà doanh nghiệp vẫn chưa tìm được người thay thế thì phải có công văn giải trình và xin gia hạn gửi Bộ Tài chính. Bộ Tài chính sẽ xem xét và quyết định gia hạn hoặc không gia hạn thời gian tạm quyền trên cơ sở từng trường hợp cụ thể.
Không ấn định thời hạn cụ thể, số doanh nghiệp khác nêu quan điểm, thời hạn đưa ra cần đảm bảo để doanh nghiệp có nỗ lực thực sự trong việc tìm người để bổ nhiệm vị trí CEO chính thức, không thể tạm quyền quá lâu.
Thậm chí, Great Eastern Việt Nam cho rằng, có thể áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật bảo hiểm hiện hành nếu lý do mà doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra không được chấp nhận. Bởi thực tế thời gian qua, ở khối bảo hiểm phi nhân thọ, một số doanh nghiệp khuyết chức danh CEO trong một thời gian dài, lên tới cả năm.
Ở góc độ pháp lý, một luật sư cho hay, do Thông tư chỉ mang tính hướng dẫn nên quy định về xử phạt cần được bổ sung ở cấp Nghị định. Nếu phạt trong trường hợp này thì cần nghiên cứu kỹ phạt cá nhân thay vì phạt tổ chức, hoặc có thể áp dụng các biện pháp bổ sung như: sau thời hạn nhất định được phép “khuyết”, CEO “tạm” nghiễm nhiên hết hiệu lực.