Doanh nghiệp bảo hiểm đã chi trả gần 400 tỷ đồng cho các hoạt động phụ trợ bảo hiểm

Theo báo cáo của Bộ Công thương, trong 3 năm gần đây, các doanh nghiệp bảo hiểm đã chi trả gần 400 tỷ đồng cho các hoạt động phụ trợ bảo hiểm.

Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chi trả khoảng 132 tỷ, tương đương 34,5% số tiền chi trả của toàn thị trường; các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ chi trả khoảng 268 tỷ đồng, tương đương 65,5% số tiền chi trả của toàn thị trường.

Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, hoạt động phụ trợ bảo hiểm bao gồm: hoạt động tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, hoạt động hỗ trợ bảo hiểm và giám định bảo hiểm.

Cũng trong 3 năm qua, mức độ sử dụng các hoạt động phụ trợ bảo hiểm của các doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng tăng lên.

Cụ thể: hoạt động giám định bảo hiểm được 70% các doanh nghiệp bảo hiểm đang sử dụng các đơn vị cung cấp dịch vụ để xác định nguyên nhân tổn thất, mức độ tổn thất, tình trạng tổn thất, xác định tổn thất có thuộc phạm vi, trách nhiệm bảo hiểm…

Có 65% các doanh nghiệp được khảo sát có sử dụng dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm để tiết kiệm chi phí và quản lý có hiệu quả hơn các hoạt động liên quan đến hỗ trợ giải quyết bồi thường, quản lý hồ sơ, quản lý đại lý….

Ngoài ra, gần 40% các doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường đều sử dụng hoạt động tư vấn bảo hiểm và hoạt động đánh giá rủi ro để hỗ trợ cho các công đoạn trong quá trình kinh doanh của mình.

Trong đó, các doanh nghiệp có thị phần lớn trên thị trường cung cấp hoạt động phụ trợ bảo hiểm có thể kể đến như:  Công ty TNHH Insmart cung cấp hoạt động hỗ trợ bảo hiểm, đứng thứ nhất, chiếm thị phần lên tới 6% trong hoạt động phụ trợ bảo hiểm đang được cung cấp trên thị trường. Công ty cung cấp dịch vụ quản lý và giải quyết bồi thường bảo hiểm dưới sự ủy quyền của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ.

Các doanh nghiệp đang sử dụng dịch vụ của Insmart như Bảo Minh, MIC, PTI, PJICO, VNI, Manulife, Fubon Life…; Công ty TNHH giám định và tư vấn kỹ thuật (Raco) và Công ty TNHH Mc Larens là hai công ty cung cấp hoạt động giám định bảo hiểm đứng đầu trên thị trường.

Được biết, cam kết tại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) về mở cửa thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng đã bổ sung quy định về hoạt động phụ trợ bảo hiểm như dịch vụ tư vấn, đánh giá rủi ro, dịch vụ hỗ trợ và các dịch vụ giám định bảo hiểm.

Theo Bộ Công thương, để phát triển của hoạt động phụ trợ thì một trong các điều kiện cần thiết là phải xây dựng được hành lang pháp lý quản lý hoạt động này. Các hoạt động phụ trợ bảo hiểm cần được quản lý thống nhất nhằm đảm bảo không có sự mâu thuẫn lợi ích giữa các nhà cung cấp dịch vụ với các chủ thể tham gia thị trường. Hoạt động phụ trợ bảo hiểm giúp nâng cao chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm nên cần phải có sự quản lý, theo dõi của cơ quan quản lý bảo hiểm…

Chính vì thế Bộ công thương đang lấy ý kiến đóng góp về các quy định của hoạt động phụ trợ bảo hiểm nhằm bổ sung vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm đểm Chính phủ trình Quốc hội trong thời gian tới.

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.