Doanh nghiệp bảo hiểm chung tay chống trục lợi

Trước tình trạng trục lợi bảo hiểm ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã cùng lên tiếng kiến nghị cơ quan quản lý xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi cho việc chia sẻ cơ sở dữ liệu khách hàng.

Trục lợi bảo hiểm là nỗi ám ảnh với nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, đe dọa lợi nhuận và sự an toàn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện hành chưa đủ cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện việc chia sẻ thông tin khách hàng lên hệ thống dữ liệu chung, như trong ngành ngân hàng, để các nhà bảo hiểm tránh được những khách hàng từng có lịch sử trục lợi bảo hiểm.

Dù Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định doanh nghiệp bảo hiểm được hợp tác trong việc chia sẻ thông tin để quản trị rủi ro, nhưng cũng quy định doanh nghiệp bảo hiểm phải bảo mật thông tin của khách hàng.

Chưa được sự đồng ý của khách hàng, doanh nghiệp bảo hiểm chưa thể chia sẻ thông tin khách hàng cho doanh nghiệp bảo hiểm khác hoặc cho Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nhằm mục đích phòng chống trục lợi bảo hiểm.

Theo ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán, đến nay, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đều chưa có được các chấp thuận cần thiết của khách hàng trong việc chia sẻ thông tin hợp đồng bảo hiểm.

Trước tình trạng trục lợi bảo hiểm diễn ra ngày càng phức tạp, tại nhiều hội nghị, hội thảo của ngành bảo hiểm, nhiều chuyên gia cho rằng, việc xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin khách hàng của ngành là đòi hỏi bức thiết từ thực tiễn hoạt động của ngành.

Tại Hội nghị CEO bảo hiểm nhân thọ diễn ra mới đây, lãnh đạo các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã nêu những kiến nghị cụ thể xung quanh vấn đề này.

Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đều chưa có được các chấp thuận cần thiết của khách hàng trong việc chia sẻ thông tin hợp đồng bảo hiểm

Có ba nhóm giải pháp tăng cường chia sẻ thông tin khách hàng trong ngành bảo hiểm được các doanh nghiệp đưa ra tại Hội nghị này. Thứ nhất, bổ sung nội dung các doanh nghiệp bảo hiểm không cần phải xin chấp thuận của khách hàng trong việc chia sẻ thông tin của khách hàng vào khoản 1, Điều 10, Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Thứ hai là sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc bảo mật thông tin khách hàng và chỉ được cung cấp thông tin khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được sự chấp thuận của khách hàng vào Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Cùng với đó là thành lập Trung tâm Thông tin phòng chống trục lợi bảo hiểm trực thuộc sự quản lý của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính (tương tự như Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) của Ngân hàng Nhà nước).

Các doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ phải cung cấp nhanh chóng, chính xác và đầy đủ các thông tin đã được doanh nghiệp xác định là có trục lợi bảo hiểm và phối hợp kịp thời với Trung tâm trong việc điều tra các trường hợp nghi ngờ trục lợi bảo hiểm.

Với nhóm giải pháp này, theo các chuyên gia pháp chế, bên cạnh việc ban hành Thông tư về việc thành lập Trung tâm thông tin phòng chống trục lợi bảo hiểm, Bộ Tài chính còn phải ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 1313/QĐ-BTC nhằm bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm.

Cũng có ý kiến cho rằng, với nhóm giải pháp thứ hai, Bộ Tài chính có thể ban hành Quyết định thành lập Trung tâm thông tin phòng chống trục lợi bảo hiểm được quản lý tập trung tại Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV).

Theo đó, các doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ cung cấp nhanh chóng, chính xác và đầy đủ các thông tin đã được doanh nghiệp xác định là có trục lợi bảo hiểm và phối hợp kịp thời với Trung tâm trong việc điều tra các trường hợp nghi ngờ trục lợi bảo hiểm. Tuy nhiên, để đảm nhiệm thêm chức năng này, IAV cần phải xin Bộ Nội vụ phê chuẩn Quyết định sửa đổi điều lệ của Hiệp hội.

Nhóm giải pháp thứ ba là, tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ sẽ cùng sửa đổi hồ sơ yêu cầu bảo hiểm theo hướng khách hàng cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm được chia sẻ thông tin cho IAV nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro, phòng chống trục lợi bảo hiểm.

Tuy nhiên, việc sửa đổi hồ sơ yêu cầu bảo hiểm chỉ áp dụng được với nhóm khách hàng tham gia bảo hiểm mới và doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải liên hệ với từng khách hàng cũ để xin chấp thuận trong việc chia sẻ thông tin.

Với lượng khách hàng hiện hữu quá lớn thì việc xin chấp thuận của từng khách hàng sẽ tốn rất nhiều thời gian và chi phí của doanh nghiệp bảo hiểm, chưa nói đến việc khách hàng có thể không đồng ý cho doanh nghiệp bảo hiểm được chia sẻ thông tin của họ, đặc biệt với mục đích phòng chống trục lợi bảo hiểm.

Dù chọn nhóm giải pháp nào, theo các doanh nghiệp, vẫn cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các doanh nghiệp trong việc chia sẻ thông tin khách hàng.

Theo đó, nhóm giải pháp thứ hai là Bộ Tài chính thành lập Trung tâm Thông tin phòng chống trục lợi bảo hiểm giao cho Cục Quản lý giám sát bảo hiểm hoặc IAV quản lý là tối ưu nhất, có thể đáp ứng nhanh chóng nhu cầu cấp bách trong phòng chống trục lợi bảo hiểm trong tình hình hiện nay.

theo tinnhanhchungkhoan.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.