Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2013, Việt Nam có tới 16 cơn bão liên tiếp, gây ra thiệt hại không nhỏ cho các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, đặc biệt là những tổn thất về bảo hiểm tài sản, hàng hóa và cả xe cơ giới.
Trong năm 2013, chỉ tính riêng cơn bão số 10 (tên quốc tế là bão Wutip) đổ bộ vào đất liền các tỉnh Bắc Trung Bộ, từ Nghệ An đến Thừa Thiên – Huế đã gây thiệt hại to lớn về tài sản, nhà máy, công trình xây dựng dân dụng, hàng hóa, tàu biển và các phương tiện giao thông, với giá trị tổn thất mà các doanh nghiệp bảo hiểm phải chi trả lên tới hàng chục tỷ đồng. Cơn bão số 11 trong cùng năm cũng khiến hầu hết các công ty bảo hiểm phi nhân thọ trên thị trường “dính đòn”, dù mức độ thiệt hại nặng nhẹ khác nhau. Doanh thu và lợi nhuận của các công ty này bị ảnh hưởng không nhỏ vì những tổn thất phải bồi thường do thiên tai.
Thực tế, ứng phó với những rủi ro liên quan đến thời tiết không chỉ là nỗi lo của các nhà bảo hiểm Việt Nam, mà là nỗi lo chung của ngành bảo hiểm thế giới. Cuối tháng 5/2014, tại Hội nghị thường niên Hiệp hội Geneva tại Toronto, Canada, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm lớn nhất trên thế giới xác nhận cam kết của họ đối với Tuyên bố ứng phó thay đổi khí hậu của Hiệp hội Geneva (là một bộ các nguyên tắc hướng dẫn về vai trò của bảo hiểm trong nỗ lực toàn cầu ứng phó với những rủi ro liên quan đến thời tiết).
Là vùng đã trải qua rất nhiều thảm họa từ động đất, bão, lũ lụt liên quan đến gió mùa, châu Á được đánh giá là trung tâm ảnh hưởng của thảm họa thiên tai. Trong nỗ lực nghiên cứu phân tích và đưa ra những thông tin cập nhật về rủi ro thiên tai, các chuyên gia mong muốn có các công cụ kiểm soát rủi ro tiên tiến cho các nhà bảo hiểm và tái bảo hiểm.
Thực tế, những cơn bão có sức tàn phá mạnh như Hải Yến (siêu bão Haiyan – đã đổ bộ vào nhiều quốc gia châu Á cuối năm 2013) có thể xảy ra ở các quốc gia khác trong khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương. Hầu hết các cơn bão có cường độ mạnh và thường xuyên trên thế giới hình thành ở đây về độ lớn, áp lực và tốc độ gió. Một loạt quốc gia đông dân ở những khu vực này có thể gặp rủi ro bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Việt Nam.
Cùng với những lo ngại về thiệt hại mà ngành bảo hiểm và tái bảo hiểm gặp phải khi có những siêu bão như vậy, các chuyên gia trong ngành cho rằng, sự bất thường của thời tiết có thể giúp thị trường bảo hiểm tài sản và thiệt hại của khu vực này phát triển nhanh. Vì hiện tại, tỷ lệ các doanh nghiệp cũng như người dân tham gia bảo hiểm tài sản ở những quốc gia nêu trên còn khá thấp so với những quốc gia ở châu Âu. Thiên tai bất thường đang ngày một gia tăng có thể sẽ làm thay đổi tư duy về mua bảo hiểm và giúp các doanh nghiệp tìm được lời giải cho câu hỏi: có nên mua bảo hiểm phòng ngừa các rủi ro hay không?
Theo các chuyên gia bảo hiểm quốc tế, khi nhu cầu về bảo hiểm tài sản và thiệt gia tăng cũng chính là lúc các công ty bảo hiểm, các nhà tái bảo hiểm phải có công cụ phù hợp để có thể đánh giá và phân biệt rủi ro bão lũ giữa các vùng, từ đó đưa ra những sản phẩm bảo hiểm với đặc tính khác nhau nhằm quản lý rủi ro một cách hiệu quả nhất. Cần có sự hiểu biết sâu sắc về những rủi ro để phát triển các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho mỗi nhóm rủi ro liên quan.
Dù là ngành nghề chuyên mua những rủi ro, bất trắc khó lường, nhưng các chuyên gia bảo hiểm trên thế giới cho rằng, mô hình quản lý rủi ro cho bão và lốc xoáy ở châu Á có rất nhiều thách thức, khó khăn, đặc biệt là việc tìm dữ liệu có chất lượng cho việc đánh giá những rủi ro đó. Chính vì thế, nếu chưa tìm ra được “công thức” hữu hiệu chế ngự những rủi ro này thì “mảnh đất” đầy tiềm năng có thể trở thành hiểm họa cho các nhà bảo hiểm và tái bảo hiểm.