(HQ Online)- Bảo hiểm xã hội (BHXH) là bộ phận lớn nhất và là trụ cột cơ bản của an sinh xã hội. Qua 20 năm phát triển, ngoài những thành tựu đã đạt được, hệ thống BHXH nước ta vẫn còn tồn tại khá nhiều hạn chế. Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề này.
Thưa ông, hạn chế lớn của ngành Bảo hiểm xã hội vẫn còn tồn tại hiện nay là gì?
Qua 20 năm phát triển của bảo hiểm Việt Nam, có thể nói chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng kể vì đã kế tục được quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách an sinh xã hội chăm lo cho người già, chăm lo cho các thế hệ.
Nhưng rõ ràng trong quá trình phát triển đến nay vẫn còn khá nhiều nhược điểm. Nhược điểm lớn nhất là độ bao phủ không đáp ứng được yêu cầu an sinh xã hội với mong muốn tất cả những người hết độ tuổi lao động đều được đảm bảo chính sách an sinh xã hội. Đến nay chúng ta mới có 2,5 triệu người được hưởng lương hưu và 11 triệu người tham gia các chính sách BHXH trong khi nước ta có gần 60 triệu lao động. Đây là tồn tại lớn nhất.
Thứ hai, trong thiết kế chính sách, có những lúc chính sách còn đi trước khả năng.
Thứ ba là tính tuân thủ pháp luật của người lao động và chủ sử dụng lao động không cao dẫn đến trốn đóng, nợ đọng BHXH.
Thứ tư, công tác giáo dục, tuyên truyền phổ biến các chính sách pháp luật để người dân hiểu rằng chính sách bảo hiểm xã hội là chính sách nhân văn, là chính sách tốt đẹp được Nhà nước bảo hộ.
Thứ năm, về phía cơ quan tổ chức, triển khai thực hiện các chính sách pháp luật vẫn còn những vướng mắc về thủ tục hành chính, cơ chế vận hành. Nó khiến cho độ hấp dẫn của BHXH không cao.
Cuối cùng, về cơ quan lập pháp, chúng tôi tự đánh giá quá trình xây dựng chính sách pháp luật vẫn chưa đầy đủ, thiếu thận trọng, chưa hoàn thiện đồng thời hướng dẫn, triển khai còn chậm. Điều đó dẫn đến mặc dù có chính sách nhưng chưa có văn bản hướng dẫn, có pháp luật nhưng không có Nghị định, có Nghị định nhưng không có Thông tư, có Thông tư nhưng không có hướng dẫn và hướng dẫn xuống không kịp thời.
Tất cả những vấn đề này chính là thách thức cho BHXH Việt Nam trong tương lai.
Từ hạn chế đó, chúng ta phải có giải pháp nào thưa ông?
Có rất nhiều giải pháp khác nhau, nhưng chủ yếu cần tập chung vào hai con đường:
Thứ nhất, mở rộng đối tượng để đi theo chiều rộng, đáp ứng đúng tinh thần của Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia vào hệ thống BHXH.
Muốn mở rộng đối tượng chúng ta phải có giải pháp, cơ chế, công tác tuyên truyền vận động làm sao để chuyển biến nhận thức, tự người dân nhận thấy đây là chính sách tốt cần phải tham gia để đảm bảo quyền lợi sau này. Đây chính là mục tiêu, con đường Đảng và Nhà nước phải thực hiện.
Thứ hai, chính sách phải đi liền với ngân sách. Phải tạo ra các cơ chế chính sách cân bằng quỹ BHXH, để người dân tin tưởng rằng quỹ này sẽ được bảo tồn, tăng trưởng, khắc phục được những bất ổn của kinh tế.
Cụ thể hơn những việc nước ta cần phải làm để hoàn thiện hơn hệ thống BHXH của Việt Nam thưa ông?
Để mở rộng diện bao phủ, vấn đề nâng cao chất lượng, hiệu quả của các chính sách an sinh là thách thức, và là mục tiêu trọng tâm của việc hoạch định chính sách trong thời gian tới, và nó đặt ra nhiều yêu cầu cụ thể với từng loại hình bảo hiểm.
Với bảo hiểm y tế, đó là yêu cầu phải nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, giảm gánh nặng về chi phí y tế cho người nghèo để mọi người dân có thể tiếp cận và thụ hưởng chính sách một cách tốt hơn.
Với bảo hiểm hưu trí, đó là yêu cầu về tiếp tục cải thiện mức lương hưu để đảm bảo cuộc sống khi về già, tính bền vững của hệ thống bảo hiểm hưu trí ở Việt Nam trong dài hạn.
Với bảo hiểm thất nghiệp đó là yêu cầu nâng cao khả năng tái hòa nhập thị trường lao động của người lao động sau khi thất nghiệp. Đây cũng là những thách thức lớn trong quá trình hoàn thiện các chính sách an sinh xã hội này trong tương lai.
Nhìn chung, trên cơ sở những tiến bộ đã đạt được trong thời gian qua, Việt Nam cần tiếp tục có những cải cách mạnh mẽ hơn trong tương lai để thực hiện mục tiêu làm cho cho mọi người dân được tiếp cận, bảo đảm an sinh xã hội như Điều 34 Hiến pháp (2013) đã quy định.
Xin cảm ơn ông!
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo baohaiquan.vn)