DN bảo hiểm giảm kỳ vọng vào hoạt động tài chính

Mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) vừa qua chứng kiến một loạt công ty bảo hiểm niêm yết đã giảm mục tiêu doanh thu và lợi nhuận từ đầu tư tài chính, với mức giảm lên đến 30%.

Khó khăn chung trên thị trường tài chính đang hướng các công ty này co hẹp hoạt động tài chính và tập trung hơn vào chuyên môn.

Một loạt công ty bảo hiểm như CTCP PVI, Tổng CTCP Bảo Minh (BMI), Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI), Tổng CTCP Tái bảo hiểm quốc gia (VNR) đều có kế hoạch giảm hoặc giữ nguyên doanh thu và lợi nhuận đầu tư tài chính năm 2013. Một số doanh nghiệp điển hình có mức giảm lên đến 30% so với con số thực hiện năm 2012.

Gần đây nhất, Bảo Minh vừa thông qua kế hoạch năm 2013 giảm doanh thu hoạt động tài chính gần 30% xuống 168 tỷ đồng. Trong biên bản ĐHCĐ năm 2013, Bảo Minh cho biết, Công ty sẽ “tái cấu trúc lại danh mục đầu tư vốn, có giải pháp rút vốn góp tại những doanh nghiệp không có hiệu quả”.

Bên cạnh đó, công ty bảo hiểm này nhấn mạnh sẽ “tập trung mọi nguồn lực vào việc phát triển mảng kinh doanh cốt lõi là bảo hiểm phi nhân thọ”. Doanh thu phí bảo hiểm gốc và doanh thu nhận tái bảo hiểm năm 2013 được đặt kế hoạch sẽ tăng lần lượt là 8% và 8,4%, giúp cho tổng doanh thu dự kiến của Bảo Minh vẫn tăng 5,5% lên 2.901 tỷ đồng.

CTCP PVI cũng đặt kế hoạch doanh thu hoạt động tài chính hợp nhất năm 2013 giảm gần 30% xuống còn 563 tỷ đồng. Bù lại, Công ty đặt kế hoạch doanh thu phí bảo hiểm tăng gần 12% lên 6.270 tỷ đồng, nên dự kiến tổng doanh thu vẫn tăng 9,4% lên 6.833 tỷ đồng.

Thận trọng không kém Bảo Minh và PVI là Bảo hiểm Bưu điện. Công ty này đặt kế hoạch lợi nhuận hoạt động đầu tư và hoạt động khác năm 2013 giảm mạnh gần 33% xuống 70 tỷ đồng, kèm theo đó lợi nhuận dự kiến sẽ giảm 16% xuống 54,2 tỷ đồng.

Nhiều chuyên gia trong ngành nhận định, lợi nhuận tài chính sẽ không còn chống đỡ được cho kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm nhiều như trước, khi mà mặt bằng lãi suất tiền gửi đã giảm sâu và lợi suất trái phiếu chính phủ cũng đã xuống rất thấp. Lợi nhuận hoạt động tài chính của toàn bộ mảng bảo hiểm phi nhân thọ trong năm 2012 đã giảm 11% xuống 1.700 tỷ đồng. Nhưng bù lại, lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm có dấu hiệu cải thiện. Năm 2012, toàn ngành đã giảm lỗ nghiệp vụ xuống 162 tỷ đồng sau khi lỗ gần 195 tỷ đồng trong năm 2011.

Cũng có những doanh nghiệp khả quan hơn khi vẫn giữ nguyên con số doanh thu lợi nhuận dự kiến của năm 2013 ngang bằng mức của năm 2012. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đều định cho mình một hướng chung là chuyển từ hoạt động tài chính sang tập trung mạnh hơn vào hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Sự chuyển biến này diễn ra rõ nét nhất tại VNR, khi mà công ty này lên kế hoạch năm 2013 tăng lợi nhuận thuần kinh doanh bảo hiểm gấp 2,5 lần lên 97 tỷ đồng. Lợi nhuận hoạt động đầu tư dự kiến gần như giữ nguyên ở mức 263 tỷ đồng.

Trong khi đó, Tổng công ty bảo hiểm Petrolimex (PJICo) dự kiến tăng lợi nhuận bảo hiểm gốc gấp đôi lên 10 tỷ đồng từ mức thực hiện năm 2012 là 5,5 tỷ đồng, còn lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tài chính dự kiến không đổi, ở mức xấp xỉ 125 tỷ đồng.

“Các doanh nghiệp bảo hiểm có lợi thế và tiềm năng rất lớn, nhưng vì sự cạnh tranh khốc liệt mà họ đã tự giảm lợi thế đó đi rất nhiều. Tình hình đó giờ đây sẽ phải được cải thiện”, ông Trịnh Quang Tuyến, Chủ tịch VNR trao đổi với ĐTCK. Ông Tuyến đánh giá thêm, ngay trong đầu năm nay, vấn đề cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ dường như đã được cải thiện – ngày càng nhiều doanh nghiệp nâng phí bảo hiểm theo tiêu chuẩn thay vì hạ phí để giành giật khách hàng như trước.

VNR cũng là một trường hợp hiếm trong ngành mạnh dạn đặt kế hoạch doanh thu phí nhận và phí giữ lại đều giảm mạnh nhưng lợi nhuận vẫn tăng, dựa trên chủ trương tăng chất lượng các hợp đồng bảo hiểm nhận về.

Trong xu thế chuyển hướng đó, vẫn có một vài doanh nghiệp may mắn. Tại ĐHCĐ 2013 của Tổng công ty bảo hiểm BIDV (BIC), lãnh đạo Công ty nói với cổ đông rằng, trong danh mục đầu tư tiền gửi của BIC, các khoản tiền gửi dài hạn chiếm tỷ trọng cao nên lãi suất vẫn được hưởng theo lãi suất cao, vì vậy, việc giảm lãi suất không ảnh hưởng quá lớn đến hiệu quả hoạt động đầu tư. Tờ trình của BIC không nói rõ về cơ cấu kế hoạch, chỉ đặt kế hoạch doanh thu chung tăng 10% và lợi nhuận tăng 12,7% trong năm 2013.

Hải Linh
Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.