Từ 11/2 tới, Thông tư 42/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTB&XH về quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) có hiệu lực thi hành.
Đây là một việc làm thường niên của Bộ LĐTB&XH nhằm đảm bảo công bằng về mức hưởng BHXH giữa các đối tượng tham gia. Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với bà Dương Thị Minh Châu – Phó Trưởng phòng Chế độ BHXH TP Hà Nội.
Thưa bà, vì sao lại có quy định điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH?
– Từ khi thực hiện Luật BHXH (năm 2007) đến nay việc điều chỉnh này đã được quy định tại tại Khoản 2, Điều 61 và Khoản 2, Điều 76 Luật BHXH 2006 và tại Khoản 2 Điều 79, Điều 63 Luật BHXH sửa đổi năm 2014. Theo đó, đối với người lao động (NLĐ) đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định (ghi trong hợp động lao động) và người tham gia BHXH tự nguyện thì số tiền đóng BHXH được lấy làm căn cứ tính mức bình quân tiền hưởng BHXH hàng tháng sau này và số tiền đóng đó sẽ được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ. Căn cứ vào đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 83/2008/NĐ-CP ngày 31/7/2008 về điều chỉnh tiền lương, tiền công đã đóng BHXH bắt buộc đối với NLĐ thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định và Nghị định số 134/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 về điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH đối với NLĐ tham gia BHXH tự nguyện.
Cụ thể, mức điều chỉnh được tính trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm do Tổng cục Thống kê, Bộ KH&ĐT công bố hàng năm. Mức điều chỉnh sẽ được áp dụng khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính. Căn cứ quy định trên, hàng năm, Bộ LĐTB&XH đều ban hành Thông tư quy định mức điều chỉnh tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đã đóng BHXH và năm 2017 đã ban hành Thông tư 42/2016/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ 11/2 tới.
Vậy, việc điều chỉnh tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đã đóng BHXH có ảnh hưởng như thế nào đối với NLĐ?
– Việc điều chỉnh này là cách để đảm bảo công bằng về mức hưởng BHXH giữa các đối tượng tham gia. Phần điều chỉnh lên chính là phần trượt giá của đồng tiền qua các năm. Ví dụ, một NLĐ có số tiền đóng BHXH hàng tháng vào năm 1997 là 500.000 đồng nhưng nếu giữ nguyên mức đóng này để tính mức hưởng BHXH hàng tháng hoặc hưởng một lần sau này sẽ thấp do giá trị tiền bị trượt giá. Lý giải một cách đơn giản rằng, số tiền đóng 500.000 đồng so với thời điểm năm 1997 là có giá trị nhưng giá trị này sẽ bị giảm đi vào năm 2017 nên cần phải có mức điều chỉnh phù hợp với từng thời điểm. Vì vậy, với quy định điều chỉnh của Bộ LĐTB&XH, giả sử NLĐ đó nghỉ hưu từ năm 2017 thì số tiền hưởng BHXH hàng tháng sẽ được tính dựa trên số tiền đóng hàng tháng các năm trước nhân với mức điều chỉnh từng năm được quy định tại Thông tư 42. Cụ thể, như số tiền đóng BHXH của năm 1997 hàng tháng sẽ được nhân với 3,42. Từ đó, số tiền đã đóng BHXH của NLĐ năm 1997 trong phần tính mức hưởng BHXH từ năm 2017 sẽ gấp 3,42 lần so với thực tế đóng.
Để đưa Thông tư này vào thực hiện, cơ quan BHXH đã chuẩn bị như thế nào, thưa bà?
– Để thực hiện điều chỉnh tiền lương, tiền công, thu nhập đã đóng BHXH làm căn cứ tính hưởng BHXH theo quy định, cơ quan BHXH đã tiến hành bổ sung, chỉnh sửa phần mềm xét duyệt giải quyết hưởng các chế độ BHXH để đảm bảo mức hưởng các chế độ BHXH được chính xác, đầy đủ. Do hiệu lực thi hành của Thông tư bắt đầu từ ngày 11/2/2017, nên số người đã giải quyết hưởng lương hưu, BHXH một lần, tuất một lần từ ngày 1/1/2017 đến nay mà khi tính lương hưu, trợ cấp BHXH chưa tính điều chỉnh theo Thông tư 42, cơ quan BHXH chúng tôi tự động thực hiện kiểm tra, rà soát, điều chỉnh lại mức hưởng BHXH để trả cho NLĐ.
Xin cảm ơn bà!
Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của các năm trước năm 1995 là 4,10; từ năm 1995 – 2017 lần lượt là 3,74 – 3,53 – 3,42 – 3,18 – 3,04 – 3,09 – 3,10 – 2,99 – 2,89 – 2,69 – 2,48 – 2,31 – 2,13 – 1,73 – 1,62 – 1,48 – 1,25 – 1,15 – 1,08 – 1,03 – 1,03 – 1,00 – 1,00. |
theo kinhtedothi.vn