Bà Phạm Thị Thanh Hồng, Phó trưởng ban nữ công, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: số liệu của Tổng cục Thống kê (2007) cho thấy, tỷ lệ lao động nữ chiếm 40,2% trong số người làm công ăn lương, 46% số người làm công ăn lương từ các lĩnh vực sản xuất- kinh doanh, chiếm hơn 41% số chủ cơ sở sản xuất kinh doanh và trên 49% số lao động làm kinh tế gia đình.
Ảnh minh họa
Còn theo điều tra lao động việc làm của Tổng cục Thống kê thì lao động nữ từ 15 tuổi trở lên làm việc trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng là trên 76%, trong khi nam giới chỉ chiếm trên 28%; trong lĩnh vực giáo dục- đào tạo là hơn 69%; y tế và cứu trợ xã hội chiếm gần 60%… Điều này cho thấy, lao động nữ đóng góp vai trò quan trọng trong nền kinh tế xã hội.
Các chính sách đối với lao động nữ cũng đã được thể hiện rất rõ trong Bộ luật Lao động và nhất là Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) như: chế độ nghỉ thai sản, trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với lao động nữ, đảm bảo việc làm cho lao động nữ sau thời gian thai sản, trợ cấp khi nghỉ để chăm sóc con ốm, khám thai, thực hiện các biện pháp tránh thai…
Cũng theo đánh giá của bà Hồng, sau hơn 6 năm thi hành Luật BHXH, chính sách BHXH đã phát huy tác dụng tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, ảnh hưởng như: Đối tượng tham gia BHXH mới chỉ đạt 78% tổng số lao động phải tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Tình trạng nợ BHXH của các doanh nghiệp, thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm còn nhiều điểm chưa thuận lợi…đã ảnh hưởng đến người lao động và đặc biệt là quyền lợi của lao động nữ.
Nhằm khắc phục những hạn chế này, bà Trần Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Tổ trưởng Tổ biên tập Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết: Dự thảo Luật BHXH sửa đổi dự kiến có nhiều nội dung sửa đổi theo chiều hướng có lợi cho người lao động, đặc biệt là đối với lao động nữ như: mở rộng đối tượng tham gia BHXH, tăng mức hưởng chế độ ốm đau, tăng tuổi nghỉ hưu tối đa với nữ lên 60 và nam lên 62, chế độ thai sản, quyền được hưởng BHYT trong quá trình nghỉ thai sản, nghỉ ốm đau …
Cụ thể, về chế độ thai sản, điều kiện được hưởng chế độ thai sản: người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tuổi tháng tuổi thì được nghỉ chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng; lao động nam có vợ sinh con và trường hợp lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai, cơ sở y tế yêu cầu phải nghỉ việc thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Đồng thời, bổ sung thêm quy định lao động nam khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc trong vòng 30 ngày đầu vợ sinh con hoặc 7 ngày làm việc đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật; Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con sau khi đã nghỉ hưởng chế độ ít nhất được 4 tháng; thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu, người lao động được hưởng theo tuần tuổi của thai nhi…
Mặc dù có nhiều nội dung tăng quyền lợi cho người lao động, song bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, thực tế hiện nay có tới 67% lao động nữ không được bảo hiểm thai sản do đó, Luật cũng nên bổ sung thêm quy định trong thời gian mang thai, nữ lao động được nghỉ để đi khám thai mỗi tháng 1 ngày. Nên giữ quy định về chi trả dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau khi nghỉ chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như phương án 2 tại các Điều 27a, 37a và 48a của dự thảo Luật.
Nguồn BVPL
Bảo Hiểm Bảo Việt