Theo đó, ngoài việc tăng 20% phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho các loại xe có trong Dự thảo, trong đó có xe ô tô con, xe máy, AVI còn đề xuất tăng thêm 50% mức phí đối với xe đầu kéo, xe giường nằm, xe cứu thương; 20% đối với xe kinh doanh vận tải từ 16 đến 25 chỗ ngồi.
Các xe còn lại được đề nghị tăng thêm tối thiểu từ 10 – 15% mức phí, đảm bảo tương đồng với tăng mức trách nhiệm lên 43%. Đáng chú ý, AVI kiến nghị mức phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe áp dụng với dòng xe có trọng tải trên 15 tấn phải tăng thêm 70%.
Ghi nhận từ các DN bảo hiểm phi nhân thọ, việc tăng phí là hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh rủi ro cho các dòng xe này đối với bên thứ ba ngày càng lớn, trong đó xe đầu kéo, xe giường nằm, xe cứu thương có mức độ nguy hiểm cao hơn. Với dòng xe có trọng tải trên 15 tấn, việc tăng phí thêm 70% là cần thiết vì loại xe này có quán tính lớn, có mức độ nguy hiểm cao hơn với người và phương tiện giao thông khác trên đường.
“Đề xuất tăng này cũng phù hợp với nhu cầu của chủ xe, lái xe và thị trường bảo hiểm xe cơ giới, đồng thời giải quyết những khó khăn vướng mắc cho nhà bảo hiểm khi triển khai thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc này”, một DN bảo hiểm cho biết.
Cùng với đề xuất nâng mức phí bảo hiểm, AVI cũng đề nghị nâng mức trách nhiệm bảo hiểm lên 100 triệu đồng/người/vụ và 100 triệu đồng/vụ với các tài sản bị thiệt hại. Mức bồi thường này, theo AVI, nhằm phù hợp với quy định về bồi thường trong Bộ luật Dân sự và giảm phần phải bỏ thêm của chủ xe khi tổng thiệt hại phải bồi thường lớn hơn số tiền DN bảo hiểm bồi thường khi chi phí khám chữa bệnh tăng lên.
AVI cũng đề nghị Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm yêu cầu các DN bảo hiểm thống kê doanh thu, chi phí bán hàng, chi phí bồi thường, dự phòng nghiệp vụ, chi phí quản lý DN từ năm 2012 đến 2014 (từ khi ban hành Thông tư 151) cho các lọai xe ghi trong biểu phí, để có cơ sở thuyết phục xác định phí bảo hiểm mới.
Bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới, cần nhưng chưa đủ
Một số kiến nghị khác góp ý cho Dự thảo cũng được đưa ra, đó là bảng trả tiền thiệt hại về người nên áp dụng mỗi một mức thương tật chi trả một số tiền nhất định bằng trung bình cộng trong khoản tiền chi trả trong dự thảo.
“Cần sửa đổi quy định số tiền bồi thường dưới 10 triệu bằng số thiệt hại ước tính dưới 10 triệu, vì lúc giải quyết tai nạn, giám định chưa thể xác định được mức độ phải bồi thường. Như vậy, nếu quá trình giám định đưa đến kết luận phải bồi thường từ 10 triệu đồng trở lên DN bảo hiểm phải làm lại hồ sơ thủ tục bồi thường”, một DN bảo hiểm đề xuất bổ sung
Để đơn giản hóa thủ tục hành chính và phòng chống trục lợi bảo hiểm, các DN bảo hiểm cũng cho rằng, quy định về bồi thường dưới 10 triệu đồng cần ghi rõ trong các hồ sơ sau: bản tường trình của chủ xe hoặc lái xe tham gia bảo hiểm, biên bản xác minh vụ tai nạn do DN bảo hiểm lập, biên bản giám định nguyên nhân và mức độ thiệt hại.
Về tỷ lệ giảm trừ, các DN bảo hiểm cũng nhất trí rằng, mỗi hành vi vi phạm của chủ xe, lái xe tham gia bảo hiểm bị giảm trừ 10% số tiền bồi thường, nhưng tổng số tiền giảm trừ không được vượt quá 40% số tiền bồi thường.
Đề xuất của các DN bảo hiểm về việc tăng phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới cũng nhận được sự ủng hộ của một số DN vận tải, đối tượng chịu tác động của quy định này. Theo đại diện một số DN vận tải, loại xe chịu mức phí tăng cao đợt này chủ yếu là dòng xe gây rủi ro, tổn thất cao cho bên thứ ba, vì vậy, việc tăng phí bảo hiểm không có gì đáng bàn cãi nhiều, nhất là khi mức trách nhiệm bảo hiểm được đề nghị nâng lên.
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo tinnhanhchungkhoan.vn)