Tỷ lệ tham gia bảo hiểm bắt buộc với xe máy hiện chỉ đạt 40%
5.105 tỷ đồng doanh thu bảo hiểm bắt buộc…
Theo nhiều ý kiến đánh giá, 5 năm triển khai Thông tư 35 đã đem lại những kết quả tích cực. Nhờ sự phối hợp giữa lực lượng cảnh sát giao thông và DN bảo hiểm, các chủ xe đã nghiêm túc hơn trong việc mua bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới.
“Người dân đã nhận thức được trách nhiệm cũng như quyền lợi khi tham gia loại hình bảo hiểm bắt buộc này”, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng C67 Bộ Công an nhận định.
Theo thống kê, giai đoạn 2009 – 2013, tổng doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới đạt 5.105 tỷ đồng; trong đó, năm 2013 đạt cao nhất với 1.853 tỷ đồng.
Ông Hà cho hay, các cơ quan quản lý đã đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới. Hiện cơ sở dữ liệu về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới cũng đã được đưa vào sử dụng và đây là phần mềm cơ sở dữ liệu đầu tiên được sử dụng trong ngành bảo hiểm, đảm bảo công khai, minh bạch, góp phần giảm thiểu trục lợi bảo hiểm.
Hoạt động giải quyết bồi thường cũng đã được đánh giá đạt kết quả tích cực. Theo đó, nhờ mua sản phẩm bảo hiểm này, mà người bị nạn, chủ xe được hỗ trợ tài chính để ổn định cuộc sống, công việc sau tai nạn thông qua bồi thường bảo hiểm. Tỷ lệ bồi thường được thống kê đạt tỷ lệ 35%, chưa tính các vụ tổn thất đang giải quyết bồi thường.
…Nhưng còn thấp
Tuy nhiên, bên cạnh những cái được, vẫn còn đó những tồn tại cần được tháo gỡ. Đó là tỷ lệ tham gia bảo hiểm còn thấp, giải quyết bồi thường chậm trễ, còn có hiện tượng gây phiền hà cho chủ xe cũng như người bị tai nạn. Theo thống kê, trong khi tỷ lệ xe ô tô tham gia bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe đạt 95% tổng số xe lưu hành thì con số này đối với mô tô – xe máy chỉ là 40%. Đồng thời, điều đáng nói là mức trách nhiệm và phí bảo hiểm chưa phù hợp với thực tế, trong bối cảnh giá cả và chi phí khác đang tăng cao.
“Để chủ xe và người bị tai nạn có nguồn tài chính đảm bảo ổn định cuộc sống và sản xuất – kinh doanh khi không may xảy ra tai nạn, cần thiết phải nghiên cứu điều chỉnh tăng mức trách nhiệm bảo hiểm lên cao hơn”, đề xuất được đại diện ngành Công an đưa ra tại hội nghị.
Trên thực tế, từ thời điểm 1/11/2012, mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra và mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe ô tô, máy kéo… gây ra đều tăng 40% so với trước đây, từ 50 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn lên 70 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn. Thế nhưng, mức này vẫn được xem là chưa đủ, cần tiếp tục tăng.
Chia sẻ với ĐTCK về đề xuất này, đại diện một DN bảo hiểm cho rằng, tăng mức trách nhiệm bảo hiểm thì DN cũng phải tăng phí bảo hiểm, nhằm cân đối thu chi. Chính vì vậy, việc cần làm trước hết là cơ quan quản lý cần tăng mức xử phạt đối với hành vi trốn mua bảo hiểm bắt buộc, song song với tuyên truyền về ý nghĩa của loại bảo hiểm này. Hiện nếu không có giấy chứng nhận bảo hiểm thì mức phạt chỉ là 100.000 đồng (đối với xe máy); 500.000 đồng (ô tô) và mức phạt này chưa đủ sức răn đe. Qua khảo sát của ĐTCK từ 10 chủ xe máy tại 1 DN sản xuất tại quận Hoàng Mai, Hà Nội thì có đến 9 người không có bảo hiểm, chỉ còn lưu giữ bảo hiểm đã hết hạn từ 1 – 3 năm.
“Những đề xuất trên là cần thiết, nhưng giải pháp dài hạn là cần đẩy mạnh xây dựng hạ tầng giao thông đi đôi với việc tuyên truyền nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân. Nếu làm được, tai nạn giao thông sẽ giảm bớt, nhờ đó bảo hiểm bớt chi bồi thường và DN mới có điều kiện hạ phí bảo hiểm”, lãnh đạo một DN bảo hiểm kỳ vọng.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, Bộ Tài chính và Bộ Công an sẽ nghiên cứu các đề xuất trên để hoàn thiện chính sách cho phù hợp với thực tế, đi đôi với việc tăng cường quản lý, giám sát hoạt động tham gia bảo hiểm TNDS bắt buộc của các đối tượng liên quan.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo tinnhanhchungkhoan.vn)