Đó là một trong những mục tiêu quan trọng của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi được đưa ra thảo luận tại Quốc hội lần này.
Câu chuyện này, cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến từ các ĐBQH tại buổi thảo luận ở hội trường ngày 23/10.
Ông Lê Trọng Sang, đại biểu Quốc hội TPHCM, cho hay theo công thức tính lương hưu hiện hành (Luật BHXH năm 2006), người lao động có 15 năm đóng BHXH sẽ có mức lương hưu được tính bằng 45% mức lương bình quân đóng BHXH và sau đó cứ mỗi năm đóng BHXH thì lao động nam được cộng thêm 2% và nữ cộng thêm 3%. Mức hưởng tối đa là 75%.
Tuy nhiên, dự thảo luật BHXH sửa đổi lại đề xuất giảm mức hưởng của người lao động. Theo đó, đối với lao động nam, từ năm 2018 trở đi, phải có 16 năm đóng BHXH mới được hưởng tương đương với 45% mức lương bình quân đóng BHXH. Năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm; năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm đóng BHXH mới bằng được hưởng 45% mức bình quân tiền lương.
Đối với lao động nữ, dự thảo luật điều chỉnh bằng tỷ lệ thay thế. Tức là từ năm 2018, 15 năm đóng BHXH vẫn tính bằng 45% mức lương bình quân đóng BHXH nhưng sau đó cứ mỗi năm đóng BHXH tiếp theo được tính cộng thêm bằng 2% thay vì 3% như hiện nay.
Theo ông Sang, việc thay đổi công thức tính lương hưu theo quy định mới sẽ làm giảm quyền lợi của người nghỉ hưu, mặc dù đến năm 2018 trở đi điều này mới diễn ra, theo dự thảo luật.
Sẽ giảm lương hưu để cân đối quỹ BHXH |
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng đồng tình với đề xuất giữ nguyên cách tính lương hưu. “Đây là luật rất quan trọng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ảnh hưởng đến đông đảo đội ngũ công nhân viên chức. Vì thế, tôi đề nghị ban soạn thảo cân nhắc công thức tính lương hưu để luật lần này không phải là bước lùi”, đại biểu Phạm Thị Hải nói.
Rất chia sẻ với nỗi lo lương hưu bị sụt giảm, tuy nhiên ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, cho rằng nếu không thay đổi cách tính lương hưu mới thì không thể đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm hưu trí.
Hiện mức đóng bảo hiểm xã hội thấp, chỉ bằng 70% lương thực tế, trong khi hưởng lương hưu rất cao, bằng 75% của 5 năm hoặc 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
“Ví dụ ông Nguyên Minh, nguyên Tổng giám đốc Nhà máy bia Huda Huế hưởng lương hưu 65 triệu một tháng. Về hưu sớm, bình quân tuổi nghỉ hưu là 54, tuổi thọ trung bình là 73, nếu không thay đổi cách tính lương hưu để đảm bảo cân đối quỹ thì sẽ rất khó khăn”, ông Lợi nói và cho hay Ban soạn thảo đang suy nghĩ có nên tính lương bình quân cho người về hưu bằng số năm người đó sống.
Thế nhưng, theo ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, mức lương hưu bình quân nói trên không phản ánh đúng mức lương hưu của người lao động khu vực doanh nghiệp.
“Nếu BHXH Việt Nam có được số liệu người lao động trong các loại hình doanh nghiệp được hưởng lương hưu hàng tháng, và mức lương hưu bình quân họ được hưởng, tôi tin rằng tiền lương hưu bình quân của người lao động sẽ thấp hơn nhiều và sẽ chứng minh được việc thay đổi công thức tính lương hưu tác động tiêu cực như thế nào đến đời sống của người nghỉ hưu”, ông Chính nhấn mạnh.
Chính vì vậy, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị giữ nguyên công thức tính lương hưu như hiện nay, có nghĩa là đóng 15 năm được hưởng 45% mức bình quân tiền lương đóng BHXH và tỷ lệ thay thế là 2% với nam và 3% với nữ.
Trong khi đó, ông Phạm Minh Huân – Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, cho hay: “Quy định như trên vừa không đảm bảo nguyên tắc đóng-hưởng, vừa không đảm bảo sự công bằng trong thụ hưởng BHXH giữa người lao động thuộc khu vực nhà nước và ngoài nhà nước”.
Theo dự thảo sửa đổi Luật BHXH lần này, lương hưu, trợ cấp một lần được tính trên cơ sở tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng BHXH có lộ trình điều chỉnh tăng lên từ 10 năm lên 15 năm và 20 năm, sau đó mới tính bình quân cả quá trình.
Việc thay đổi cách tính như trên, theo ông Huân, sẽ làm giảm mức lương hưu của người nghỉ hưu (cán bộ, công chức, viên chức) khoảng 25% so với luật hiện hành. Đối với lực lượng vũ trang, mức giảm sẽ lớn hơn do họ có thời gian là học viên, hạ sĩ quan đóng BHXH trên mức lương cơ sở.
Ở một góc nhìn khác, bà Nguyễn Nguyệt Nga, chuyên viên cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) về an sinh xã hội, cho rằng: “Quỹ BHXH vẫn có xu hướng mất cân đối trong tương lai. Và trong khoảng 5-10 năm tới, chắc chắn sẽ phải có một sự thay đổi lớn nữa để tránh được nguy cơ vỡ quỹ”.
Trước đó, ngày 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thảo luận về một số vấn đề lớn trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Hàng triệu người lao động không có lương hưu Về vấn đề lương hưu, bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH cho biết: “Năm 2013, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước có khoảng 53,69 triệu người. Kết quả thực hiện chính sách BHXH cho thấy đến cuối năm 2013, tổng số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đạt khoảng 10,8 triệu người, tương đương 78% tổng số lao động thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc. Nhìn chung, tỉ lệ tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện còn thấp, mới chiếm khoảng 20% tổng lực lượng lao động. Điều này có nghĩa là trong tương lai, đất nước sẽ phải đối mặt với hàng triệu lao động bước vào tuổi nghỉ hưu không có thu nhập từ lương hưu, gánh nặng này sẽ thuộc về Nhà nước, tức là phải trợ cấp xã hội cho hàng triệu người khi về già”. |
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo baodatviet.vn)