NHNN chi nhánh tỉnh Kiên Giang đã phối hợp kịp thời, chặt chẽ với BHTG Việt Nam chi trả số tiền gửi cho người gửi tiền tại các QTDND, đồng thời thực hiện tốt chức năng giám sát, kiểm tra các QTDND hoạt động. BHTG được xem là một phương án dự phòng hỗ trợ việc chi trả tiền gửi của khách hàng khi TCTD lâm vào tình trạng mất khả năng thanh khoản.
Tạo niềm tin với dân
Thông qua việc huy động và cho vay đối với thành viên theo tinh thần tương trợ, hệ thống QTDND đã góp phần tích cực vào việc phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống cho nhân dân, hạn chế nạn cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, trong quá trình thí điểm, các QTDND trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã bộc lộ nhiều tồn tại, yếu kém dẫn đến một số QTDND mất khả năng chi trả, có thể ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của cả hệ thống QTDND nói riêng và các TCTD nói chung.
Thực hiện tốt việc thông tin, tuyên truyền về BHTG sẽ giúp người dân an tâm hơn khi gửi tiền vào các tổ chức nhận tiền gửi
Trước nguy cơ đổ vỡ hàng loạt các QTDND trên địa bàn, NHNN chi nhánh tỉnh Kiên Giang (NHNN chi nhánh) đã phối hợp kịp thời, chặt chẽ với BHTG Việt Nam chi trả số tiền gửi cho người gửi tiền tại các QTDND, đồng thời thực hiện tốt chức năng giám sát, kiểm tra các QTDND hoạt động. Qua đó, tạo lập được lòng tin của người dân, góp phần duy trì sự ổn định của các TCTD trên địa bàn.
BHTG được xem là một phương án dự phòng hỗ trợ việc chi trả tiền gửi của khách hàng khi TCTD lâm vào tình trạng mất khả năng thanh khoản. Gần đây, BHTG đã trở thành cụm từ khá quen thuộc với người gửi tiền trong cả nước nói chung và người gửi tiền tại Kiên Giang nói riêng.
Còn nhiều hạn chế
Mặc dù BHTG bước đầu đã củng cố được niềm tin của gửi tiền tại các QTDND trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, nhưng qua thực tế hoạt động BHTG còn phát sinh một vài vấn đề cần quan tâm.
Thứ nhất là về mức chi trả BHTG. Vào những năm 2001 mức chi trả tiền gửi theo quy định là 30 triệu đồng/khách hàng, từ năm 2005 là 50 triệu đồng/khách hàng. Mức chi trả này phù hợp với quy mô và số tiền gửi của người gửi tiền tại các QTDND thời điểm đó.
Nhưng hiện nay, điều kiện kinh tế – xã hội được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn được nâng cao, kèm theo là sự gia tăng tích luỹ của người dân. Chính vì vậy, mức chi trả tiền gửi 50 triệu đồng/khách hàng đã không còn phù hợp với thực tiễn.
Theo thống kê sơ bộ, số lượng tiền gửi có số tiền trên 50 triệu đồng/sổ chiếm trên 50% số tiền gửi tại QTDND. Và theo quy định hiện hành, khi TCTD đã tham gia nộp phí BHTG thì toàn bộ các sổ tiền gửi của khách hàng đều được đóng dấu tiền gửi được bảo hiểm (không giới hạn đóng dấu trên sổ không quá 50 triệu đồng).
Vì vậy, với mức quy định về chi trả như hiện nay, khi QTDND rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán sẽ có một lượng lớn tiền gửi phải phụ thuộc vào khả năng thu hồi của QTDND để chi trả, từ đó làm giảm lòng tin của người gửi tiền đối với hoạt động của các TCTD và BHTG.
Thứ hai là về loại tiền tệ được bảo hiểm. Trong điều kiện kinh tế phát triển như hiện nay, hàng năm lượng kiều hối từ hoạt động chuyển tiền một chiều từ nước ngoài vào Việt Nam là không nhỏ, đặc biệt là ở khu vực dân cư. Vì vậy, nhu cầu gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ đang có xu hướng gia tăng. Nhưng theo Luật BHTG thì đối tượng được BHTG chỉ bao gồm tiền đồng Việt Nam.
Điều này đồng nghĩa với việc không khuyến khích người dân gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ. Như vậy, sẽ phát sinh một lượng ngoại tệ nhàn rỗi trong dân cư không sinh lợi.
Thứ ba là về quản lý và sử dụng ấn chỉ có giá có đóng dấu tiền gửi đã được bảo hiểm. Trong những năm qua đã phát sinh hiện tượng QTDND sử dụng sổ tiền gửi có đóng dấu “tiền gửi đã được bảo hiểm” để huy động tiền gửi của dân cư bỏ ngoài sổ sách. Theo quy định, sổ tiền gửi do các QTDND đã tham gia đóng bảo hiểm phát hành phải có mộc “tiền gửi đã được bảo hiểm”, nhưng việc in và phát hành loại sổ tiền gửi này do QTDND tự thực hiện và báo cáo.
Vì vậy, một vài QTDND lợi dụng lòng tin của người gửi tiền vào dòng chữ “tiền gửi đã được bảo hiểm” để huy động tiền gửi bỏ ngoài sổ sách. Người gửi tiền và BHTG chỉ biết được khi cơ quan chức năng vào cuộc. Việc này phần nào làm giảm lòng tin của người dân đối với TCTD và tổ chức BHTG.
Thứ tư là công tác thông tin, tuyên truyền. Luật BHTG đã có hiệu lực thi hành, kèm theo đó rất nhiều thông tư, quy chế được ban hành nhằm hướng dẫn, tổ chức thực hiện Luật BHTG. Những cơ chế, chính sách này chủ yếu được tuyên truyền trên website, các trang báo giấy, báo điện tử… trong khi khách hàng tiền gửi tại các QTDND đều nằm rải rác trên địa bàn ấp xã thuộc vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện tiếp xúc với các phương tiện thông tin hiện đại.
Thêm vào đó, trụ sở BHTG Việt Nam đặt tại các tỉnh thành phố lớn. Vì vậy, người dân thiếu thông tin về chính sách BHTG đặc biệt vùng sâu, vùng xa. Từ việc thiếu thông tin về BHTG nên khi có thông tin bất ổn về hoạt động của một QTDND nói riêng hay các TCTD nói chung, người dân dễ bị tâm lý và rút tiền ồ ạt gây mất an toàn cho hoạt động của các TCTD.
Xác định giải pháp
Để hạn chế những bất cập trong chính sách của BHTG Việt Nam, giữ vững niềm tin của người gửi tiền tại các QTDND nói riêng và hệ thống TCTD nói chung, Chính phủ nên xem xét điều chỉnh nâng mức chi trả BHTG trong trường hợp TCTD rơi vào phá sản hoặc mất khả năng thanh toán theo hướng quy định mức chi trả theo tỷ lệ phần trăm so với thu nhập bình quân đầu người của quốc gia.
Nếu quy định mức chi trả theo hướng tỷ lệ so với thu nhập bình quân đầu người sẽ hạn chế sự lỗi thời của chính sách. Đồng thời, việc nâng mức chi trả tiền gửi góp phần củng cố vững chắc lòng tin của người dân đối với BHTG và phù hợp hơn với khái niệm tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia BHTG dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật Các TCTD tại Luật BHTG hiện hành.
Trong dài hạn, khi điều kiện kinh tế xã hội ổn định, dự trữ ngoại hối quốc gia đủ mạnh, Quốc hội xem xét, bổ sung đối tượng tiền gửi được bảo hiểm bao gồm ngoại tệ. Việc quy định bổ sung loại tiền gửi được bảo hiểm bằng ngoại tệ sẽ làm đa dạng hơn các loại tiền trong huy động và cấp tín dụng của TCTD. Đồng thời, bổ sung loại tiền được bảo hiểm bao gồm ngoại tệ sẽ phù hợp hơn với quyền của người thụ hưởng tại chính sách khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về nước.
BHTG Việt Nam nên nghiên cứu giải pháp quản lý các ấn chỉ có giá được đóng dấu “tiền gửi được bảo hiểm” do các QTDND phát hành. BHTG nên xem xét đến việc ban hành quy chế phối hợp với tổ chức in ấn để quản lý việc cấp phát và sử dụng chứng từ có giá được đóng dấu “tiền gửi được bảo hiểm” do QTDND tự in và phát hành.
Việc phối hợp quản lý hoạt động in ấn và sử dụng ấn chỉ có giá được đóng dấu “tiền gửi được bảo hiểm” sẽ hạn chế việc lợi dụng ấn chỉ này để huy động bỏ ngoài sổ sách, gây thiệt hại cho nền kinh tế, làm giảm lòng tin của người gửi tiền nói riêng và người dân nói chung về BHTG.
Ngoài ra, công tác thông tin, tuyên truyền về BHTG cũng cần được tăng cường thực hiện. Theo đó BHTG Việt Nam cần đẩy mạnh phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức tham gia BHTG trong việc tuyên truyền các chính sách liên quan đến BHTG để người dân hiểu. Và khi thực hiện tốt việc thông tin, tuyên truyền sẽ giúp người dân an tâm hơn khi gửi tiền vào các tổ chức nhận tiền gửi, hạn chế và ngăn chặn tình trạng rút tiền hàng loạt gây ra đổ vỡ các TCTD.