Tối giản các thủ tục hành chính (TTHC) là nguyên tắc của Đề án thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi” (hay còn gọi mô hình 3 trong 1). Chính vì vậy, Đề án nhận được rất nhiều sự kì vọng của ngành chức năng cũng như của người dân. Tuy nhiên, để quy trình ưu việt này thông suốt, khả thi trên thực tế, còn rất nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ. |
Gian nan làm thủ tục
“Hạnh phúc sau sinh con là “phát khiếp” vì làm thủ tục” – Đây là cảm giác đầu tiên của anh H.V.M ở Nguyên Bình– Cao Bằng sau những trải nghiệm về làm thủ tục khai sinh, đăng ký thường trú cho con. “Nhà cách xã cả ngày đi đường, thế nên sau sinh để làm giấy khai sinh cho con tôi phải đi lại hơn 10 lần mà chưa xong. Bởi giấy khai sinh cho con thì do UBND xã cấp thực hiện qua công chức tư pháp, hộ tịch, nhưng để nhập hộ khẩu đăng ký thường trú cho con lại công an cấp xã thực hiện. Mỗi một loại thủ tục lại yêu cầu giấy tờ khác nhau, làm thủ tục vất vả hơn cả sinh con” – anh H.V.M hóm hỉnh ví hành trình làm thủ tục cho con.
Cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ dưới 6 tuổi nhằm tạo điều kiện để mọi trẻ em được hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ miễn phí từ ngân sách nhà nước là chủ trương lớn đang được áp dụng. Tuy nhiên, với phương thức nhiêu khê, rườm rà trong làm thủ tục không chỉ khiến người dân có cảm giác bị “hành” mà theo bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Phó Trưởng phòng kiểm soát TTHC Sở Tư pháp Hà Nội, việc người dân phải khai đi, khai lại các thông tin cá nhân khi thực hiện các TTHC riêng lẻ như hiện nay có thể dẫn đến những trường hợp thông tin về cùng một người dân tại các cơ quan quản lý nhà nước có sự sai lệch (do thẩm quyền giải quyết TTHC tại nhiều cơ quan riêng biệt). Ngoài ra, việc để cho người dân tự mình đi làm các TTHC nói trên một cách độc lập cũng dẫn tới việc tùy tiện trong thực hiện các thủ tục đó, chẳng hạn khi trẻ em đi học lớp một (6 tuổi) thì mới đăng ký khai sinh, trong khi các thủ tục về đăng ký thường trú, BHYT thì đã được thực hiện trước đó.
Xuất phát từ thực tế trên mô hình “3 trong 1 đã được thí điểm ở Long An (huyện Bến Nức), TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận. Kết quả là người dân chỉ còn phải đi đến cơ quan nhà nước 02 lần để thực hiện các TTHC liên quan tới đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi trên (giảm 60 % số lần đi lại).
Sự thành công của những mô hình này chính là cơ sở quan trọng để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi”.
Nhanh chóng có hướng dẫn cụ thể
Tại Hội nghị tổng kết việc thực hiện thí điểm mô hình 3 trong 1 do Bộ Tư pháp tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cũng cho rằng, hiện quy trình thủ tục liên thông chưa được hình thành bền vững, áp dụng thống nhất, chỉ ghép nối cơ học giữa các thủ tục hiện đang tồn tại. Nếu một trong 03 quy định bị sửa đổi theo văn bản pháp luật mới ban hành có thể phải mất thời gian sửa đổi, bổ sung gây “tắc nghẽn” quy định phối hợp này. Chưa kể, TTHC của cơ quan CA về nhập hộ khẩu thường trú theo đánh giá đến nay vẫn còn phức tạp, các loại phiếu báo phải ghi rất nhiều nội dung.
Theo Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến, việc triển khai Đề án không chỉ Nhà nước và người dân được lợi về kinh tế mà quan trọng hơn, Đề án sẽ góp phần tạo bước chuyển căn bản trong quan hệ công tác và cách thức giải quyết công việc giữa cơ quan nhà nước với nhau, giữa cơ quan nhà nước với công dân. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh việc thực hiện các TTHC như đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi tại nhiều địa phương hiện vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Song để làm được điều này, Thông tư hướng dẫn cần có những quy định cụ thể để hướng dẫn tránh tình trạng liên thông nhưng vẫn “tắc” do quy định không rõ ràng, cụ thể.
|
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo daidoanket.vn)