Day dứt thể thao Việt Nam: Đấu võ chỉ được mua bảo hiểm… 50.000 đồng

Trong thi đấu thể thao, chấn thương luôn là mối hiểm họa thường trực mà các vận động viên (VĐV) đều rất lo sợ. “Lo sợ vì hai nhẽ. Thứ nhất sẽ không thể tiếp tục thi đấu ở giải đó nữa, ảnh hưởng đến thành tích chung của cả đội. Thứ hai là nếu chấn thương nặng, sẽ không biết lấy tiền đâu ra để điều trị, vì theo tôi được biết, mức bảo hiểm cho mỗi VĐV ở các giải vô địch quốc gia chỉ 50.000 đồng/người. Thử hỏi với mức giá quá thấp như vậy thì nếu chấn thương, chúng tôi sẽ được chữa trị ở mức bao nhiêu?”, một VĐV võ thuật chia sẻ.
Không chỉ võ mà hầu hết các môn thể thao khác cũng chỉ được mua 50.000 đồng/người theo quy định của nhà nước. Ông Vũ Đức Thịnh, Trưởng bộ môn quyền anh của Tổng cục Thể dục thể thao, cho hay quyền anh là môn dễ xảy ra chấn thương nhưng mức bảo hiểm cũng không thể cao hơn 50.000 đồng. VĐV tham dự giải vô địch điền kinh quốc gia cũng chỉ được mua bảo hiểm mức tương tự.
Các VĐV còn chịu thiệt thòi đủ đường khi hiện bảo hiểm thể thao vẫn chưa được đưa vào danh sách những loại bảo hiểm đặc thù nên bảo hiểm y tế (BHYT) chỉ chi trả những dịch vụ cơ bản, còn những trường hợp bị thương nặng yêu cầu kỹ thuật khó hoặc phải điều trị ở nước ngoài thì người sử dụng dịch vụ (VĐV) sẽ phải tự trả tiền. Các hãng bảo hiểm nước ngoài tại VN tuy có gói bảo hiểm tai nạn dành cho VĐV thi đấu thể thao nhưng mức phí lại quá cao, phải 150 triệu đồng mới bán. Dĩ nhiên, ngành thể thao không đủ tiềm lực tài chính để mua cho VĐV.
Phải giải nghệ vì không có tiền chữa trị kịp thời
 
Cách đây vài năm, nữ võ sĩ karatedo Vũ Nguyệt Ánh bị chấn thương rất nặng ở đầu gối và sau khi phẫu thuật tại Bệnh viện 108 ở Hà Nội cũng không khỏi hẳn. Các HLV khuyên Ánh ra nước ngoài phẫu thuật, nhưng tiền bảo hiểm chỉ đáp ứng được 1/5 chi phí.
Trong suốt mấy năm trời, nữ VĐV giỏi nhất khu vực ở hạng cân 48 kg phải sống chung với những cơn đau. HLV Lê Công buộc phải sử dụng biện pháp chữa trị đông y theo kinh nghiệm của ông, giúp Ánh đủ thể lực để thi đấu ở những giải quốc tế. Mãi đến năm 2012, Tổng cục Thể dục thể thao, đơn vị chủ quản của Ánh, mới gom được một khoản tiền và đặc biệt nhờ sự hỗ trợ rất lớn của một nhà tài trợ, Ánh mới được sang Singapore phẫu thuật (chi phí 400 triệu đồng). Nhưng có thể vì tình trạng đau đớn kéo dài nên đầu gối của Ánh không thể ổn định như trước và chị đã giải nghệ.
Day dứt thể thao Việt Nam: Đấu võ chỉ được mua bảo hiểm... 50.000 đồng - ảnh 2Ngô Văn Kiều đang tập hồi phục – Ảnh: Nhựt Quang 
“Oanh tạc cơ” Ngô Văn Kiều của đội tuyển bóng chuyền VN từng tâm sự trên báo chí: “Năm 2011, tôi bị đa chấn thương, nặng nhất là vùng bụng vì cơ đã bị đứt hết, tưởng chừng như không thể thi đấu đỉnh cao được nữa. Mãi một năm sau tôi mới được sang Singapore phẫu thuật nhờ CLB Sanest Khánh Hòa tài trợ gần như toàn bộ số tiền 600 triệu đồng. Liên đoàn Bóng chuyền VN chỉ chi trả khoảng 50 triệu đồng”.
Thêm một nghịch lý nữa mà tuyển thủ hay vấp phải là nếu chẳng may chấn thương kéo dài quá thời gian tập trung đội tuyển thì họ sẽ bị cắt chế độ điều trị dành cho tuyển thủ. Đội tuyển quốc gia sẽ phó thác hết cho đơn vị chủ quản của VĐV đó và ở phía ngược lại, không ít cơ quan chủ quản lại phủi tay, cho rằng đã là tuyển thủ thì nhà nước phải bao cấp toàn bộ. Bao nhiêu năm qua, dù rất muốn nhưng ngành thể thao vẫn chưa thành lập được một quỹ riêng nhằm hỗ trợ VĐV khi đau ốm, chấn thương.
Tiền đạo Công Vinh trở thành cầu thủ VN duy nhất (thậm chí còn là VĐV VN duy nhất) đến thời điểm này tự bỏ tiền túi lên đến vài tỉ đồng để mua bảo hiểm thân thể (bảo hiểm đôi chân). Vinh nói: “Cầu thủ bóng đá là một nghề nghiệp đặc biệt và sự nghiệp được tạo dựng từ đôi chân. Vì thế, bản thân cầu thủ phải có ý thức tự bảo vệ thứ “tài sản” quý giá của mình. Một trong những cách bảo vệ chính là mua bảo hiểm”.

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo thanhnien.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.