Đầu tư từ quỹ bảo hiểm: Cần bộ đôi an toàn và minh bạch

Việc đầu tư từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (quỹ bảo hiểm) đã diễn ra như thế nào không nhiều người được biết nhưng nguy cơ mất trắng hàng ngàn tỉ đồng thì đã được công bố.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/2016/NĐ-CP (Nghị định 30), quy định nguyên tắc hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm phải minh bạch, an toàn, hiệu quả và thu hồi được vốn.

Hướng đến mục tiêu an toàn

Dễ nhận thấy các quy định trong Nghị định 30 hướng đến mục tiêu an toàn trong hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm. Trước hết, Chính phủ giới hạn cụ thể các hình thức đầu tư gồm: (i) Mua trái phiếu chính phủ; (ii) Cho ngân sách nhà nước vay; (iii) Gửi tiền; mua trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại; (iv) Cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội vay; (v) Đầu tư vào các dự án quan trọng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam không còn được quyết định đầu tư theo hình thức khác như quyết định 04/2011/QĐ-TTg(1).

Nghị định 30 không xếp hạng an toàn cho các hình thức đầu tư nói trên nhưng với quy định được dùng quỹ dự phòng rủi ro trong thời gian chưa sử dụng để mua trái phiếu chính phủ và cho ngân sách nhà nước vay mà không kèm theo điều kiện nào, cho thấy Chính phủ đang thấy an toàn ở hai kênh đầu tư này.
Các hình thức đầu tư khác luôn được đi kèm thêm một số điều kiện.

Cụ thể, cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội vay được thực hiện theo hình thức mua trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và mức đầu tư bị giới hạn không quá 20% số dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp (không phải là quỹ bảo hiểm xã hội) của năm trước liền kề.

Hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm cần cả an toàn và minh bạch. Hai yếu tố này sẽ góp phần làm nên hiệu quả đầu tư.

Đối với hình thức đầu tư vào các dự án quan trọng, yêu cầu chủ đầu tư khi có nhu cầu huy động vốn từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp phải gửi hồ sơ cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN). Trường hợp không nhất trí đầu tư thì BHXHVN phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Quy định này có thể gián tiếp hiểu rằng, BHXHVN không tự đưa tiền đi đầu tư vào các dự án mà chính những dự án thực sự cần huy động vốn phải tìm đến và đáp ứng các điều kiện thì mới được BHXHVN cho vay. Theo quy định, chỉ được dùng quỹ bảo hiểm thất nghiệp với mức tối đa là 20% số dư của quỹ để đầu tư theo hình thức này. Thời hạn vay được giới hạn là năm năm.

Hình thức gửi tiền; mua trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi phải được thực hiện tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Lá chắn cho việc này là hàng năm, Ngân hàng Nhà nước phải có trách nhiệm gửi BHXHVN kết quả xếp loại tín nhiệm đối với các ngân hàng thương mại.

Cần  minh bạch, xác định trách nhiệm

Khác với mục tiêu an toàn, mục tiêu minh bạch trong hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm tại Nghị định 30 chưa được khắc họa rõ nét. Trong khi đó, nguyên nhân của việc đầu tư từ quỹ bảo hiểm không hiệu quả một phần là do không minh bạch.

Nghị định 30 quy định Hội đồng quản lý BHXHVN quyết định và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về các hình thức đầu tư và cơ cấu đầu tư của quỹ bảo hiểm. Như vậy, Hội đồng quản lý BHXHVN chỉ chịu trách nhiệm về hình thức đầu tư và cơ cấu đầu tư, còn hiệu quả đầu tư thì không được nhắc đến.   

Nghị định 30 quy định BHXHVN có trách nhiệm báo cáo tình hình và kết quả thực hiện hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm cho Hội đồng quản lý BHXHVN, Bộ Tài chính; lưu hồ sơ đầu tư; cung cấp đầy đủ và kịp thời các số liệu, tài liệu có liên quan đến hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm cho Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu. Những hoạt động trên chỉ mang tính chất báo cáo hành chính.

Thông tư 19/2005/TT-BTC(2) quy định Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nằm trong nhóm đối tượng phải công khai tài chính. Tuy nhiên, để áp dụng những quy định này cho hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm thì hơi khó vì Thông tư 19 quy định cho nhiều loại quỹ mà quỹ bảo hiểm lại có những đặc thù riêng. Vì vậy, Nghị định 30 nên có một phần quy định về công khai hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm và hoạt động trả lời chất vấn để người đóng quỹ bảo hiểm biết tình hình đầu tư từ quỹ bảo hiểm. 

Theo Luật Bảo hiểm xã hội, Kiểm toán Nhà nước kiểm toán quỹ bảo hiểm xã hội và báo cáo kết quả với Quốc hội theo định kỳ ba năm một lần. Thiết nghĩ ba năm là thời gian khá dài để Quốc hội có thể giám sát chặt chẽ việc đầu tư từ quỹ bảo hiểm. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, việc đầu tư từ quỹ bảo hiểm không hiệu quả chỉ được phát hiện sau khi có kết quả của Kiểm toán Nhà nước

(1) Quyết định 04/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 20-1-2011 về quản lý tài chính đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam

(2) Thông tư số 19/2005/TT-BTC hướng dẫn việc công khai tài chính đối với các quỹ có nguồn từ ngân sách nhà nước và các quỹ có nguồn từ các khoản đóng góp của nhân dân

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo thesaigontimes.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.