Chuyện về doanh thu phí
Việc Bảo hiểm Bảo Việt về nhì trong doanh thu phí bảo hiểm gốc những tháng đầu năm 2014 không phải là mới. Nhiều năm trước đây vẫn vậy, do doanh thu của Bảo hiểm Bảo Việt thường tập trung vào cuối năm, nhất là sau khi nhận được nguồn thu không nhỏ từ sản phẩm bảo hiểm học sinh – sinh viên vào thời điểm cuối năm. Tất nhiên, ngôi vị dẫn đầu của Bảo hiểm Bảo Việt được giữ vững trong gần 50 năm hoạt động của mình.
Vì vậy, dù các tháng đầu năm, dẫu Bảo hiểm PVI dẫn đầu nhưng cả năm vẫn trả lại ngôi vị này cho Bảo hiểm Bảo Việt.
Xét về đối tượng khách hàng, cả năm, Bảo hiểm Bảo Việt luôn giữ vị trí số 1 trong thị trường bảo hiểm y tế – sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm hàng không, bảo hiểm cháy nổ. Còn Bảo hiểm PVI, do đặc thù và thông lệ kinh doanh trên thị trường, Bảo hiểm PVI luôn dẫn đầu trong các tháng đầu năm do nguồn thu chính của PVI là trong nội ngành dầu khí. Còn thời điểm nào trong năm cũng vậy, Bảo hiểm PVI luôn là nhà bảo hiểm công nghiệp số 1.
… và vai trò dẫn dắt thị trường
Xét về mức phí bảo hiểm thực thu, chưa có con số thống kê phí thực thu 6 tháng đầu năm nhưng quý I/2014, theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Bảo hiểm Bảo Việt tiếp tục dẫn đầu thị trường với 25,2% thị phần phí bảo hiểm thực thu (1.155 tỷ đồng), PVI về nhì với thị phần 16,5% (758 tỷ đồng).
Cần nhắc lại là, phí bảo hiểm thực thu được người trong ngành đánh giá chính là con số đánh giá thực chất tình hình hoạt động bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm (phí bảo hiểm thực thu = phí bảo hiểm gốc +/- doanh thu nhận/nhượng tái bảo hiểm).
Hướng tới 2 chữ “dẫn đầu”, không ít doanh nghiệp bảo hiểm đặt mục tiêu lọt vào Top 5, Top 10 doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu/tốt nhất, nhưng không chỉ rõ mục tiêu cụ thể là gì.
Về 2 chữ “dẫn đầu”, có quan điểm cho rằng, chỉ cần đạt số 1 về thị phần thế là đủ. Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong ngành, ngôi vị dẫn đầu ngoài giữ vị trí số 1 về thị phần bảo hiểm gốc thì cũng cần hội tụ thêm một số yếu tố khác để “số 1” trở nên tròn trịa hơn.
Chẳng hạn, ngôi vị dẫn đầu cần được thể hiện rõ trên các mặt như sản phẩm, chất lượng dịch vụ vượt trội trên thị trường, tiềm lực tài chính vững mạnh, giải quyết bồi thường mau lẹ, mạng lưới rộng khắp, uy tín thực chất, có quan hệ và hợp tác chặt chẽ với các hãng bảo hiểm lớn trên thế giới, có vai trò kinh tế – chính trị đầu tàu trên thị trường…
Cụ thể, sản phẩm cho khách hàng cá nhân cần đơn giản, tiện ích, nhiều ưu đãi; tiềm lực tài chính vững chắc thể hiện ở việc dẫn đầu về quy mô vốn để tăng khả năng xử lý các vụ tổn thất lớn, khách hàng được giải quyết và tạm ứng tiền nhanh chóng…
Ngoài ra, theo lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm lớn, doanh nghiệp dẫn đầu cần thể hiện rõ vai trò dẫn dắt thị trường như uy tín; định hướng xây dựng và phát triển sản phẩm, dịch vụ; đầu tư mạnh vào công nghệ thông tin để phục vụ việc quản lý tập trung, mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng.
Trên thực tế, nhiều năm qua, với uy tín và tiềm lực của mình, Bảo hiểm Bảo Việt luôn được lựa chọn để tham gia triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, tham gia các dự án trọng điểm quốc gia như Thủy điện Sơn La, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, bảo hiểm vệ tinh, các hội nghị quốc tế lớn được tổ chức tại Việt Nam…
Trong hoạch định chính sách về bảo hiểm, cơ quan quản lý luôn coi trọng việc lấy ý kiến tư vấn của các “ông lớn” như Bảo hiểm Bảo Việt và Bảo hiểm PVI như các chuyên gia tư vấn hàng đầu trong ngành bảo hiểm. Các hãng bảo hiểm lớn của quốc tế khi có ý định tham gia thị trường bảo hiểm Việt Nam đều mong muốn và đặt vấn đề hợp tác với 2 “ông lớn” trên.
Tuy nhiên, do các yếu tố khách quan, sự khó khăn ngày càng lớn của doanh nghiệp và thị trường, nên Bảo hiểm Bảo Việt sẽ cần một lực đẩy lớn trong năm 2014 để giữ vững ngôi vị của mình.