Hoàn thiện Đề án Quỹ HTTN
Theo cập nhật của Bộ Tài chính, đến nay, Đề án phát triển Quỹ HTTN đã được Bộ hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành. Khi chính sách này được phê duyệt và triển khai, Việt Nam sẽ có sản phẩm mới là Quỹ HTTN. Điều này không chỉ góp phần cải thiện hệ thống an sinh xã hội, mà còn mở ra dư địa phát triển mới cho ngành quỹ, nhất là gia tăng số lượng lẫn chất lượng NĐT tổ chức.
Ngay những ngày đầu năm 2014, những tín hiệu thúc đẩy quá trình triển khai Quỹ HTTN đã được Chính phủ phát đi. Cụ thể, tại Nghị quyết 01/2014 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo thực hiện kế hoạch kinh tế – xã hội năm 2014 mà Chính phủ vừa ban hành, cùng với yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với NHNN và các cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường vốn, TTCK, trong đó phát huy có hiệu quả kênh huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu DN, Chính phủ yêu cầu với vai trò chủ trì, Bộ Tài chính cần tập trung triển khai các giải pháp để hình thành và phát triển Quỹ HTTN.
Các thành viên thị trường nhìn nhận, việc Chính phủ đang thúc đẩy triển khai Quỹ HTTN đồng nghĩa với Đề án phát triển Quỹ HTTN sẽ sớm được ban hành. Việc phê duyệt đề án này là cơ sở quan trọng cho Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), cũng như các bộ, ngành liên quan cụ thể hóa các quy định mang tính kỹ thuật, để phục vụ cho việc hình thành và phát triển Quỹ HTTN. Trong đó, bao gồm nhiều quy định xương sống, đảm bảo cho Quỹ vận hành hiệu quả và an toàn như: mức/tỷ lệ đóng góp của người sử dụng lao động (DN) và người lao động được trích nộp từ thu nhập trước thuế đưa vào Quỹ; hoạt động đầu tư, giám sát Quỹ; cách thức DN, người lao động được thụ hưởng quyền lợi từ các khoản đóng góp của họ vào Quỹ…
Được biết, Bộ Tài chính đang có những bước chuẩn bị để sớm hình thành và phát triển Quỹ HTTN. Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính cho biết, Bộ đang nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định về triển khai Quỹ HTTN, để khi Đề án được ban hành sẽ trình Chính phủ ban hành văn bản quan trọng này. Trong đó, dự kiến Nghị định sẽ quy định cụ thể các nguyên tắc đầu tư, đảm bảo an toàn cho sự vận hành của Quỹ, quy định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia đóng góp vào Quỹ…
Thêm đất “dụng võ”cho ngành quỹ
Theo thông lệ quốc tế, cũng giống như triển khai Quỹ hưu trí bổ sung, để triển khai Quỹ HTTN tại Việt Nam đảm bảo thành công, cần 3 yếu tố chính.
Đầu tiên, cần sớm hình thành hệ thống chính sách khuyến khích, để khích lệ DN và người lao động tham gia đóng góp vào Quỹ. Theo đó, lý tưởng nhất là toàn bộ phần mà DN và người lao động trích nộp vào Quỹ được miễn thuế thu nhập DN và thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp cơ quan quản lý xét thấy cần thiết khống chế mức đóng góp để được hưởng chính sách ưu đãi thuế, thì cần sớm quy định chi tiết.
Tiếp theo, để đảm bảo hoạt động đầu tư của Quỹ diễn ra thận trọng, an toàn, hiệu quả, cần sớm định hình mô hình đầu tư, giám sát hoạt động của Quỹ. Theo thông lệ quốc tế, hoạt động đầu tư của Quỹ được thiết kế theo hướng có sự tham gia của các công ty quản lý quỹ thông qua hệ thống quỹ mở, đồng thời có sự giám sát chặt chẽ của ngân hàng giám sát, cũng như cơ quan quản lý. Theo lãnh đạo UBCK, với hệ thống quỹ mở phát triển khá đa dạng đến thời điểm này là 10 quỹ và sắp tới sẽ có thêm một số quỹ ra đời, trong đó có nhiều quỹ đầu tư trái phiếu, đã đáp ứng tốt cho sự hình thành và phát triển của Quỹ HTTN, thỏa mãn yêu cầu số một là an toàn trong giai đoạn phát triển ban đầu. Do đặc thù của Quỹ HTTN, việc sớm triển khai sản phẩm này sẽ mở ra dư địa phát triển mới cho ngành quỹ, đồng thời góp phần thúc đẩy thị trường vốn, TTCK phát triển tích cực hơn cả về lượng và chất.
Cuối cùng, để thúc đẩy việc hình thành và phát triển Quỹ HTTN trong giai đoạn sơ khởi, khó khăn hiện tại, các thành viên thị trường đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Quốc hội áp dụng chính sách miễn thuế đối với cả 3 giai đoạn hình thành và phát triển của Quỹ là: khoản đóng góp ban đầu; khoản thu nhập nhận được từ hoạt động đầu tư của Quỹ; rút tiền khi thành viên của Quỹ nhận được các khoản lợi ích của mình.