Cú sốc của ngành bảo hiểm và vai trò của tấm lá chắn rủi ro

Chưa thoát khỏi khó khăn do nền kinh tế suy giảm, ngành bảo hiểm phi nhân thọ lại gặp một cú sốc khác, sự việc xảy ra tại các khu công nghiệp Bình Dương và Đồng Nai vừa qua. Con số thiệt hại ước tính ban đầu mà các công ty bảo hiểm phải chi trả lên đến hàng ngàn tỷ đồng. 

 

Các DN bảo hiểm về cơ bản đã hoàn tất quá trình thống kê thiệt hại

Nhưng cũng từ những tổn thất bất ngờ này, các DN đã mua bảo hiểm và chưa mua bảo hiểm càng thấm thía hơn tầm quan trọng của “tấm lá chắn” – bảo hiểm trước những rủi ro không lường trước.

Dẫu biết rằng bản chất của bảo hiểm là sự chuyển nhượng rủi ro từ khách hàng cho các nhà bảo hiểm, nhưng sự cố này cũng là điều không thể lường trước với các công ty bảo hiểm. Đến thời điểm này, không chỉ những DN bảo hiểm có thiệt hại nhỏ, mà những DN bảo hiểm có nhiều hợp đồng bảo hiểm cho các DN tại những khu công nghiệp này như Fubon, Bảo Minh hay Bảo Việt gần như đã hoàn tất quá trình thống kê thiệt hại.

Ông Nguyễn Thế Năng, Phó tổng giám đốc thường trực Bảo hiểm Bảo Minh cho biết, Bảo hiểm Bảo Minh có 110 khách hàng bị tổn thất, với tổng số tiền tổn thất ước khoảng 280 tỷ đồng. Bảo Minh đã và đang hoàn tất hồ sơ để tiến hành chi trả bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm đã ký với khách hàng. Để hỗ trợ khách hàng giảm bớt khó khăn về tài chính, nhanh chóng khôi phục lại sản xuất – kinh doanh, trong khi chờ hoàn thiện hồ sơ theo quy định, Bảo Minh đã tiến hành trao tạm ứng tiền bồi thường cho 4 khách hàng là Công ty Diamond (Đài Loan), Công ty Sài Gòn Dayar (Đài Loan), Công ty Latitude Tree (Đài Loan), Công ty Bor Yuer (Đài Loan) với tổng số tiền 17,2 tỷ đồng.

Sau khi trao tạm ứng bồi thường lần đầu cho các DN bị thiệt hại, đại diện các công ty bảo hiểm cho biết, sẽ nhanh chóng giải quyết bồi thường bảo hiểm đối với các DN bị thiệt hại trong thời gian tới theo đúng các cam kết trong hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, từ phía các DN bảo hiểm, cũng xuất hiện những khó khăn nhất định trong việc làm thủ tục bồi thường.

Ông Năng đề nghị, UBND tỉnh Bình Dương hỗ trợ các DN bảo hiểm hoàn thiện hồ sơ bồi thường bằng việc tạo điều kiện cho các khách hàng của DN bảo hiểm được sao chụp lại các hồ sơ/chứng từ/dữ liệu đã bị phá hủy, mất mát từ các cơ quan ban ngành có liên quan như hải quan, thuế, kiểm toán, các cơ sở cung cấp dịch vụ, nguyên nhiên vật liệu…; các biên bản kết luận điều tra từ các cơ quan chức năng như cảnh sát điều tra, cảnh sát phòng cháy chữa cháy cho từng DN bị tổn thất. Trên cơ sở đó, khách hàng của các công ty bảo hiểm sẽ được chi trả bồi thường một cách nhanh chóng và đầy đủ theo điều kiện, điều khoản của hợp đồng bảo hiểm.

Trước đó, trao đổi với ĐTCK, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng, để việc giải quyết bồi thường cho các DN bị thiệt hại được hoàn tất, Hiệp hội Bảo hiểm cũng đề nghị UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục đôn đốc thêm một số ít DN bị thiệt hại trên địa bàn thông báo sớm các tổn thất và yêu cầu bồi thường gửi tới các DN đã ký hợp đồng bảo hiểm. Hiệp hội cũng đề nghị quán triệt với các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan điều tra, cảnh sát phòng cháy chữa cháy giám định nguyên nhân và mức độ thiệt hại theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính để DN bảo hiểm có cơ sở, căn cứ bồi thường và yêu cầu các nhà tái bảo hiểm cùng chia sẻ.

Hiệp hội cũng đề nghị các DN xác định đơn giá theo quy định hiện hành của Nhà nước về những tài sản thay thế, mua mới, xây dựng lại nhà máy bị thiệt hại… Từ những xác nhận này, nhà bảo hiểm mới có thể bồi thường kịp thời đầy đủ chính xác và nhanh chóng cho các DN.

Hiện tại, các công ty bảo hiểm vẫn đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ về tình hình thiệt hại đối với khách hàng của mình để tiếp tục công tác bồi thường. Chưa thể đánh giá hết ảnh hưởng của cú sốc này đến sự tăng trưởng của khối bảo hiểm phi nhân thọ trong năm 2014, tuy nhiên, đối với các công ty bảo hiểm có nhiều khách hàng bị thiệt hại trong sự cố này thì  lợi nhuận bị ảnh hưởng là điều có thể nhìn thấy rõ.

Theo (ĐTCK)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.