Công đoàn “Khó” khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2016) quy định việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động tham gia Bảo hiểm xã hội được giao cho tổ chức công đoàn. Theo ông Lê Trọng Sang, Ủy viên đoàn chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, đây vừa là trọng trách lớn, vừa là thách thức với tổ chức công đoàn.

Công đoàn được quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Ảnh Thùy Linh.

Theo ông Lê Trọng Sang, việc giám sát thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) thời gian qua cho thấy có nhiều đơn vị vi phạm Luật BHXH, cố tình không đóng BHXH cho người lao động (NLĐ). Việc người chủ sử dụng lao động không đóng BHXH cho NLĐ là trốn tránh trách nhiệm, tước quyền tham gia BHXH của NLĐ, hay nói cách khác tước tiền đóng BHXH của NLĐ. Bởi vậy, việc CĐ tham gia khởi kiện, tố tụng hình sự là cơ hội để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ tham gia BHXH.

Tuy nhiên, ông Lê Trọng Sang cho rằng, khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện việc khởi kiện vi phạm BHXH hiện nay là thiếu nguồn lực về con người và kinh phí để tiến hành khởi kiện. “Lực lượng cán bộ CĐ tiến hành hoạt động khởi kiện còn thiếu về số lượng và hạn chế về trình độ, kinh nghiệm. Khi tiến hành khởi kiện, cán bộ CĐ phải nắm vững quy trình, thủ tục khởi kiện chủ sử dụng lao động theo quy định pháp luật. Việc thiếu cọ xát thực tế cùng với những hạn chế về kỹ năng tham gia tố tụng là trở ngại không nhỏ cho đội ngũ cán bộ CĐ khi tiến hành khởi kiện”.

Một khó khăn khác, theo ông Lê Trọng Sang đó là trong quá trình khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự, CĐ cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập tài liệu chứng cứ. Khi cơ quan BHXH là người khởi kiện, cơ quan BHXH có đầy đủ hồ sơ, tài liệu, chứng cứ liên quan đến vi phạm của DN về BHXH, đồng thời có nguồn kinh phí dành cho hoạt động khởi kiện. Còn đối với tổ chức CĐ, khi khởi kiện vi phạm về BHXH, CĐ sẽ phải đến cơ quan BHXH để thu thập tài liệu, chứng cứ; cùng với sự khó khăn về kinh phí cho hoạt động khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự sẽ là một thách thức không nhỏ đối với tổ chức CĐ trong hoạt động khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự.

Mặt khác, hiện các quy định của pháp luật về việc CĐ khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự được quy định ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, gây khó khăn cho cán bộ CĐ làm công tác khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự trong việc áp dụng trong thực tiễn.

”Mặc dù pháp luật đã quy định miễn án phí đối với một số vụ án dân sự liên quan đến lao động. Tuy nhiên, trong quá trình khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự, CĐ với tư cách người khởi kiện vẫn phải đóng nhiều loại phí như tiền tạm ứng án phí phúc thẩm;  tiền tạm ứng chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài, chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài; tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ; tiền tạm ứng chi phí định giá, chi phí định giá tài sản; tiền tạm ứng chi phí giám định, chi phí giám định tài sản; chi phí về thi hành án dân sự… Đây cũng là khó khăn không nhỏ đối với  tổ chức CĐ khi tiến hành khởi kiện vi phạm về BHXH”, ông Trọng Sang chia sẻ

Để tạo thuận lợi cho các cấp CĐ khởi kiện, tham gia tố tụng những vụ án lao động, ông Lê Trọng Sang cho biết, Tổng liên đoàn đã xây dựng dự thảo quy trình CĐ khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tập thể. Tổng liên đoàn cũng cung cấp các mẫu hồ sơ CĐ khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự như giấy ủy quyền tham gia tố tụng; đơn khởi kiện; đơn đề nghị về việc nhập, tách vụ án, áp dụng tiền lệ án; giấy giới thiệu; đơn khiếu nại… để các cấp CĐ áp dụng khi tham gia tố tụng trong các vụ án lao động.

”Tổng liên đoàn vẫn luôn tiếp nhận và lắng nghe các ý kiến đóng góp của LĐ LĐ tỉnh, CĐ ngành về việc xây dựng dự thảo quy trình. Các ý kiến góp ý xoay quanh bố cục quy trình; quy trình khởi kiện; vấn đề ủy quyền khởi kiện; phạm vi CĐ khởi kiện; hòa giải, thỏa thuận giữa đương sự… ”, ông Lê Trọng Sang cho biết.

Để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ cũng cần có sự phối hợp với các cơ quan liên quan như cơ quan BHXH, Bộ LĐ-TB&XH, Tòa án nhân dân tối cao, VCCI và cấp ủy, chính quyền địa phuơng để thuờng xuyên trao đổi thông tin, tuyên truyền về chủ truơng, đường lối, chính sách, đặc biệt trong việc thực hiện luật pháp nghiêm minh, trên cơ sở đó bảo vệ quyền lợi NLĐ tốt hơn.

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo baohaiquan.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.