Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, việc áp dụng tính bảo hiểm xã hội (BHXH) trên lương và các khoản bổ sung lương sẽ vẫn được thực hiện trong năm 2016 nhưng bộ sẽ cân nhắc giãn lộ trình thực hiện để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Đây là thông tin được Thứ trưởng Huân đưa ra bên lề Hội nghị tổng kết ngành lao động, thương binh xã hội diễn ra ngày 25-12.
Tiếp tục lấy ý kiến doanh nghiệp
Theo bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Bảo hiểm xã hội, Bộ LĐTBXH, Bộ đã có đầy đủ hướng dẫn về mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH từ đầu năm 2016 đến hết năm 2017.
Trong năm 2016, 2017, thu nhập này bao gồm lương, phụ cấp lương; phụ cấp bao gồm các khoản để bù đắp điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà lương thỏa thuận trong hợp đồng chưa tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.
Từ đầu năm 2018, đóng BHXH sẽ dựa trên mức lương cùng với phụ cấp lương và các khoản bổ sung. Các khoản bổ sung khác là khoản tiền ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động. Các khoản bổ sung được xác định là mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân thừa nhận, mặc dù việc nâng mức đóng BHXH theo cách tính mới sẽ tạo điều kiện để người lao động có mức hưởng cao hơn khi về hưu, nhưng mặt khác sẽ làm tăng chi phí của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp khó khăn, giảm tính cạnh tranh.
Do đó, theo ông Huân, việc tính BHXH trên lương và các khoản bổ sung lương vẫn được áp dụng trong năm 2016 nhưng Bộ LĐTBXH sẽ tiếp tục lấy ý kiến của đại diện các hiệp hội doanh nghiệp để đánh giá tác động của chính sách này. “Trong trường hợp khó khăn có thể phải giãn lộ trình, không thể trong 3 năm thực hiện dồn dập. Vì ngoài tăng nền đóng BHXH còn áp lực điều chỉnh lương tối thiểu, làm giảm cạnh tranh quốc gia”, Thứ trưởng Huân nói.
Chưa nói tới cách tính đóng BHXH trên tổng thu nhập sẽ áp dụng từ năm 2016 thì tỷ lệ đóng BHXH ở Việt Nam hiện nay đã rất cao, lên tới 26%; nếu tính cả bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp thì lên tới 32,5% và theo nhiều doanh nghiệp, tỷ lệ này đang cao nhất trong khu vực. |
Doanh nghiệp sẽ không thể lách luật?
Nói về khả năng doanh nghiệp có thể lách luật bằng cách chuyển các khoản phụ cấp và trợ cấp sang tiền ăn giữa ca, tiền đi lại, điện thoại…., Thứ trưởng Huân cho hay, ngày 24-12, Bộ đã có công văn nhắc nhở các doanh nghiệp phải xây dựng phương án điều chỉnh lương tối thiểu theo đúng quy định. Và trong khi thực hiện, doanh nghiệp cố gắng không được cắt các khoản phụ cấp của người lao động. Các địa phương sớm tiếp nhận hệ thống thang bảng lương của DN đăng ký để làm cơ sở đóng BHXH.
Về vấn đề này, bà Nga bổ sung thêm, từ năm 2016 cơ quan bảo hiểm có thêm chức năng thanh tra việc đóng BHXH của doanh nghiệp. Những loại tiền được xác định là phụ cấp mà doanh nghiệp lại lách bằng cách chuyển sang loại khác thì thanh tra sẽ phát hiện được.
Bên cạnh đó, trước đây, nhiều doanh nghiệp lạm dụng tiền đóng BHXH của người lao động để phục vụ sản xuất, kinh doanh, thay vì phải đi vay ngân hàng với lãi suất cao. Theo quy định cũ, doanh nghiệp chậm đóng chỉ bị phạt vi phạm bằng một lần lãi suất đầu tư nhưng luật BHXH 2014 đã nâng mức phạt lên gấp đôi để hạn chế tình trạng này.
Hơn nữa, Luật hình sự sửa đổi cũng bổ sung một số tội danh như trốn đóng, lạm dụng tiền đóng BHXH, truy cứu trách nhiệm hình sự để nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực hiện quyền thụ hưởng đối với người lao động. Việc thu – đóng BHXH cũng minh bạch, rõ ràng hơn, như 6 tháng một lần doanh nghiệp phải công khai tham gia BHXH như thế nào để người lao động biết. Hàng năm, cơ quan BHXH cũng có thông tin đến người lao động về tình hình đóng của họ.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo thesaigontimes.vn)