PVI SUN life ghi dấu ấn
Hồi đầu tháng 4 vừa qua, sự kiện ra mắt sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện của Công ty liên doanh Bảo hiểm nhân thọ PVI Sun Life (PVI Sun Life) đã đặc biệt thu hút sự chú ý của các DN bảo hiểm nhân thọ thuộc Top 5, những DN đủ điều kiện triển khai sản phẩm này. Không quan tâm sao được, khi PVI Sun Life, một gương mặt mới toanh đã bất ngờ “chen chân” vào vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng về doanh thu khai thác mới của khối bảo hiểm nhân thọ năm 2013, với 1.024 tỷ đồng chỉ sau 8 tháng hoạt động, đứng trên cả Manulife, AIA và Dai-ichi. Xét về thị phần chung, PVI Sun Life đứng ở vị trí thứ 6, với 5,4%.
Theo số liệu tổng hợp từ Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, năm 2013, nhờ có sự duy trì tốc độ tăng trưởng tốt của 2 “lão làng” là Prudential và Bảo Việt Nhân thọ cùng với việc tích cực tìm hướng đi mới của tân binh PVI Sun Life, nên doanh thu khai thác mới đã tăng tới 45,9% so với năm 2012, đạt 7.603 tỷ đồng; trong đó, PVI Sun Life và Previor đóng góp khoảng 1.347 tỷ đồng. Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường bảo hiểm nhân thọ tăng 23,1%, đạt 22.648 tỷ đồng.
Báo cáo của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) tại Hội nghị thường niên Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam hồi tháng 2 cũng cho biết, việc PVI Sun Life ghi nhận doanh thu trên 1.000 tỷ đồng trong năm 2013 đã đóng góp lớn cho sự tăng trưởng bảo hiểm nhân thọ, giúp bảo hiểm nhân thọ năm qua có sự tăng trưởng đột biến.
Còn nhớ, tại thời điểm ra mắt PVI Sun Life, ông Bùi Vạn Thuận, Tổng giám đốc PVI Holdings (đơn vị góp 51% vốn cùng với Sun Life Financial – Canada lập nên PVI Sun Life) từng gây sốc khi cho biết tham vọng liên doanh này sẽ đạt điểm hòa vốn chỉ sau 3 năm hoạt động, rút ngắn khoảng nửa thời gian so với quy luật thông thường (6 năm-PV). Còn ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch PVI Holdings chia sẻ mục tiêu đưa PVI Sun Life trở thành công ty bảo hiểm hàng đầu ở Việt Nam, doanh thu phí bảo hiểm đặt ra cho năm 2013 là 151 tỷ đồng.
Trong khi đối tác liên doanh, Sun Life Financial, lại là cái tên khá xa lạ với thị trường trong nước, khiến không ít người nghi ngờ về tính khả thi của những mục tiêu “hoành tráng” mà lãnh đạo PVI Holdings đặt ra với PVI Sun Life. Thậm chí, thời điểm đó, đã có ý kiến cho rằng việc lập liên doanh bảo hiểm nhân thọ này là một kế hoạch liều lĩnh, nhất là khi không có ngân hàng mẹ “đỡ đầu”. Thế nhưng, chỉ sau gần một năm thành lập, tân binh này đã làm được nhiều hơn kỳ vọng của ban lãnh đạo. Không phải chờ đến năm thứ 3, tân binh này đã gây bất ngờ cho thị trường khi ghi nhận lợi nhuận ngay trong năm đầu hoạt động và điều khiến thị trường bất ngờ không kém là tân binh này đã nằm trong Top 3 doanh nghiệp có doanh thu bảo hiểm khai thác mới cao nhất toàn thị trường.
Các gương mặt mới khác là VCLI hay VietinAviva cũng đã chạm tay vào lợi nhuận trong năm 2013, dù trước đó như chia sẻ của ông Trần Bá Phước, Tổng giám đốc VCLI, Công ty đặt mục tiêu có lãi vào năm 2016, còn VietinBank Aviva chưa thể hiện rõ tham vọng có lợi nhuận trong năm 2013. Cụ thể, VCLI đã có lãi sau thuế 13,6 tỷ đồng, VietinAviva có lãi 10,7 tỷ đồng.
Hanwha Life (bắt đầu đưa sản phẩm ra thị trường từ ngày 1/4/2009) cũng có một năm tăng trưởng khá về doanh thu, tăng 21% so với năm 2012. Trong đó, doanh thu từ bảo hiểm đạt 274 tỷ đồng, tốc độ doanh thu khai thác mới vẫn được duy trì như năm trước. Tuy nhiên, năm 2013, doanh nghiệp này này vẫn chưa có lãi, với lợi nhuận sau thuế lỗ 213 tỷ đồng, trong khi năm 2012 số lỗ chỉ 127 tỷ đồng.
Gia nhập thị trường từ tháng 10/2010, sau 3 năm hoạt động, Cathay Life có mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2013, với hơn 90 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm gốc, tăng 1,8 lần so với năm 2012. Năm qua, Cathay Life lỗ sau thuế 26,2 tỷ đồng, nhưng điều này không có gì là khó hiểu với “quy luật” của Việt Nam là chịu lỗ trong 5 – 6 năm đầu hoạt động.
Có thể thấy, ngoại trừ 2 tên tuổi đứng đầu có vị trí khá vững chắc trên thị trường là Prudential và Bảo Việt Nhân thọ thì thị phần về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới năm 2014 ở Top 3 trở đi được dự báo sẽ có nhiều thay đổi.
Theo đại diện của PVI Sun Life, tăng trưởng doanh thu của Công ty trong năm nay nhiều khả năng sẽ đạt mức 2 con số. Riêng mảng bảo hiểm hưu trí tự nguyện có thể sẽ đóng góp khoản doanh thu phí bảo hiểm vài trăm tỷ đồng.
Phát triển ổn định, vững chắc vẫn là câu chuyện đã và đang được đặt ra với các tân binh như một áp lực không nhỏ. Nhìn vào tương lai của các tân binh, một chuyên gia trong ngành cho rằng, thị phần chủ yếu vẫn thuộc các DN lớn, nhưng cũng có DN mới tham gia thị trường đã tự tìm được sân chơi riêng, chỗ đứng riêng.
Trong năm 2013, khối bảo hiểm phi nhân thọ không tiếp nhận gương mặt mới nào. Doanh nghiệp thành lập gần đây nhất cũng từ năm 2011, điều này phần nào cho thấy thị trường bảo hiểm phi nhân thọ trong những năm gần đây không còn là “miền đất hứa” cho các “tay chơi” mới, vì vậy, những gương mặt như Bảo hiểm Hàng Không, Hùng Vương, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội, MSIG, Fubon, Xuân Thành, Cathay cũng có thể coi là những tân binh trên thị trường này.
Kinh tế khó khăn, hoạt động kinh doanh của khối bảo hiểm phi nhân thọ chịu ảnh hưởng lớn và đích đến mục tiêu lợi nhuận của các tân binh trong khối này do vậy không được thuận lợi như nhiều tân binh khác trong khối bảo hiểm nhân thọ.
Bên cạnh những tân binh có sự cải thiện nhất định về doanh thu phí bảo hiểm gốc, như Cathay tăng 81% so với năm 2012 (với 90 tỷ đồng), thì lại có nhiều tân binh khác không hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh mà cổ đông giao phó. Chẳng hạn, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội sụt giảm doanh thu bảo hiểm gốc tới 30% so với năm 2012, đạt 218 tỷ đồng. Bảo hiểm Xuân Thành chỉ đạt 187 tỷ đồng phí bảo hiểm gốc, giảm 17% so với mức thực hiện năm 2012 và hoàn thành 60,22% kế hoạch đề ra. Hay CTCP Bảo hiểm Hàng Không cũng giảm 2% doanh thu phí bảo hiểm gốc so với 2012, đạt 441 tỷ đồng. Xuân Thành năm 2013 lỗ gần 21 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Bảo hiểm Xuân Thành, kết quả kinh doanh năm 2013 không đạt kỳ vọng đề ra ngoài khó khăn chung của thị trường, còn khó khăn riêng về tài chính, quản trị DN, tính bền vững an toàn trong quản lý kinh doanh. Còn với Bảo hiểm Hàng Không thì lý do doanh thu sụt giảm mạnh là trong năm 2013, Công ty mất nguồn thu 85 tỷ đồng từ Vinacomin, sau khi cổ đông này thoái vốn.
Sức ép cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm ngày càng lớn, nhất là đối với các doanh nghiệp mới, non trẻ. Như một giám đốc marketting một doanh nghiệp bảo hiểm, nếu không tạo được lối đi riêng, tạo được sự khác biệt về sản phẩm, các tân binh khó bề tìm được chỗ đứng trên thị trường.