Từ ngày 01/3/2016, chính thức tăng viện phí theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.
Theo Thông tư liên tịch, ngoài tiền lương, đối với các phẫu thuật, thủ thuật theo quy định của Thủ tướng được hưởng phụ cấp thì có tính chi phí chi trả phụ cấp vào giá nên mức tăng của các dịch vụ rất khác nhau. Tính bình quân của tất cả các dịch vụ, mức giá thực hiện từ 1/3/2016 gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù sẽ tăng bình quân khoảng 30% so với hiện nay. Tiếp đến, từ ngày 1/7/2016, khi tính tiền lương vào thì giá sẽ tăng khoảng 50% so với hiện nay.
Ông Nguyễn Nam Liên – Vụ trưởng Vụ Tài chính, Bộ Y tế cho biết, Thông tư này trước mắt chỉ áp dụng đối với thanh toán BHYT nên đối với người không có thẻ BHYT (khoảng 25% dân số) trước mắt áp dụng mức giá hiện nay đang thực hiện nên không bị ảnh hưởng. Đối với người có thẻ BHYT, mức độ tác động đến các nhóm có khác nhau. Trong đó, khoảng 23,7 triệu người là người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội có thẻ BHYT không bị ảnh hưởng. Mức độ ảnh hưởng không nhiều là đối tượng người cận nghèo đã được ngân sách hỗ trợ tối thiểu 70% để tham gia BHYT. Khi đi khám, chữa bệnh, đối tượng này được BHYT thanh toán 95% chi phí, chỉ phải đồng chi trả 5% (trước đây chỉ được hưởng 80%, phải đồng chi trả 20%). Đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh BHYT thì có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không nhiều vì trước đây, khi chưa tính đủ giá, người bệnh thường phải trả thêm, nay được tính đủ thì sẽ không phải trả thêm tiền.
Cũng theo ông Nguyễn Nam Liên, việc điều chỉnh viện phí trong năm 2016 vẫn được chia làm 2 giai đoạn. Theo đó, từ ngày 1/3, viện phí sẽ tính thêm phụ cấp đặc thù ngoài các chi phí trực tiếp hiện nay là thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp sử dụng để thực hiện các dịch vụ. Viện phí mới này trước mắt sẽ áp dụng thanh toán đối với người bệnh có thẻ BHYT. Với người không có thẻ BHYT – chủ yếu là lao động tự do, nông dân, diêm dân và người cận nghèo (chiếm khoảng 25% dân số) – vẫn áp dụng mức giá như hiện nay. Đến ngày 1-7, giá các dịch vụ, kỹ thuật khám chữa bệnh sẽ tính thêm tiền lương của nhân viên y tế” – ông Liên nhấn mạnh. Nếu tăng ngay phí khám chữa bệnh với người chưa có thẻ BHYT sẽ gây gánh nặng lớn cho đối tượng này nên cần có độ lùi. Thay vào đó, trước thời điểm áp dụng viện phí mới, các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và tham gia BHYT.
Đại diện cho cơ quan triển khai chính sách BHXH, BHYT, ông Phạm Lương Sơn, Ban thực hiện chính sách BHHY khẳng định, khi điều chỉnh giá mới thì sẽ có tác động tích cực đối với người dân. Đặc biệt, người bệnh sẽ không phải bỏ tiền túi của mình để đóng góp cho các khoản chi phí mà trong thực tế đã được kết cấu vào giá dịch vụ y tế. Toàn bộ chi phí thuốc, vật tư y tế, đặc biệt là những chi phí trực tiếp như khấu hao, duy tu bảo dưỡng… đã được kết cấu vào giá dịch vụ y tế và sẽ do Quỹ BHYT chi trả. BHXH Việt Nam cũng như các cơ sở khám, chữa bệnh sẽ quyết tâm không thu thêm của người bệnh những khoản đã được tính vào giá dịch vụ y tế.
Ông Phạm Lương Sơn cũng cho biết, để hạn chế tác động đến đời sống, kinh tế, xã hội của người dân, Liên Bộ đã quyết định sẽ áp dụng mức giá DVYT điều chỉnh cho đối tượng có thẻ BHYT trước, sau đó sẽ áp dụng giá đủ 7 yếu tố chi phí cho người không có thẻ BHYT. Như vậy, người chưa có thẻ BHYT sẽ có thêm một khoảng thời gian cân nhắc, để thấy được lợi ích, tính nhân văn của chính sách an sinh xã hội cũng như của việc tham gia BHYT. Với mức giá DVYT mới, ước tính Quỹ BHYT vẫn có khả năng cân đối được đến hết 2017. Tuy nhiên theo lộ trình điều chỉnh giá DVYT như hiện nay, vấn đề đẩy nhanh độ bao phủ của BHYT lại trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết để bệnh nhân không phải nặng gánh chi trả thêm và để người không may mắc bệnh không bị rơi vào “bẫy nghèo”.
Là một trong những cơ quan BHXH địa phương chú trọng công tác truyền thông về chính sách BHXH, BHYT trước, trong và sau khi chính sách được ban hành, chiều ngày 17/02/2016, tại buổi tọa đàm trực tiếp liên quan đến nội dung tăng viện phí từ ngày 01/3/2016 tại Đài Truyền hình Đồng Nai, trả lời câu hỏi về việc từ ngày 01/3/2016 tăng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC của liên bộ Bộ Y tế – Bộ Tài chính có ảnh hưởng gì tới Quỹ BHYT và làm thế nào để ngành BHXH vừa quản lý được quỹ khám, chữa bệnh, vừa bảo đảm quyền lợi cho người có thẻ BHYT, bà Lê Ngọc Mai – Phó Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai cho biết, việc tăng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế sẽ có ảnh hưởng tới Quỹ BHYT, vì mức phí chi trả cho người có thẻ BHYT khi khám bệnh, chữa bệnh tăng lên so với trước. Để quản lý được Quỹ BHYT, ngành BHXH sẽ phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng Luật BHYT (sửa đổi, bổ sung) để giúp nâng cao nhận thức của nhiều người về trách nhiệm và quyền lợi, từ đó tự giác tham gia và thụ hưởng BHYT, đây là một trong những nguyên nhân quan trọng để tăng thêm nguồn Quỹ BHYT; mặt khác phải tăng cường công tác giám định và kiểm tra tại các cơ sở khám chữa bệnh BHYT, để hạn chế việc lạm dụng thẻ và trục lợi quỹ khám, chữa bệnh BHYT; bên cạnh đó BHXH tỉnh thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế Đồng Nai tổ chức thực hiện tốt quy chế phối hợp hoạt động nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Luật BHYT (sửa đổi, bổ sung).
Về phía bệnh viện, bà Nguyễn Thị Bích Hường – Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, khi chưa điều chỉnh giá dịch vụ y tế thì bệnh viện Việt Đức cũng như tình hình chung ở các bệnh viện là rất khó khăn. Mặc dù bệnh viện Việt Đức cũng được Bộ Y tế đánh giá là 1 trong những bệnh viện thực hiện cân đối tài chính khá tốt nhưng cũng gặp khó bởi hiện nay ngân sách nhà nước không cấp nữa, mà phải thực hiện tự chủ hoàn toàn. Như vậy, khi ngân sách nhà nước không cấp, nguồn viện trợ, tài trợ không có nhiều thì cuối cùng bệnh viện chỉ trông vào nguồn thu dịch vụ y tế. Nếu nguồn thu dịch vụ y tế không tính đúng tính đủ thì chúng tôi càng khám chữa bệnh càng thiếu tiền. Và khi thiếu tiền thì người chịu thiệt lớn nhất đầu tiên chính là người bệnh. Bởi không có tiền bệnh viện sẽ thiếu các vật tư trang thiết bị. Tiếp đến là đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng hệ thống phòng khám, buồng bệnh điều trị để đáp ứng được nhu cầu của người bệnh. Như vậy, khi điều chỉnh giá dịch vụ thì chúng tôi có nguồn để nâng cấp đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đáp ứng nguyện vọng cho người bệnh.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Bích Hường, trong điều kiện chúng tôi không có tiền, chi trả phụ cấp và tiền thưởng cho nhân viên y tế không nhiều, thậm chí còn bị cắt giảm. Nếu 1 khoảng thời gian ngắn thì không có vấn đề gì nhưng về lâu dài, không chi trả đủ thu nhập tối thiểu phù hợp để nhân viên y tế tái tạo sức lao động và lo cho gia đình con cái để có thể yên tâm làm việc. Lao động trong y tế là lao động rất đặc thù cực kỳ vất vả vì đối tượng là người bệnh, là tính mạng, là sức khỏe của người ta. Chỉ khi tính đúng tính đủ viện phí, bệnh viện mới có nguồn thu để trả đủ cho người lao động, đưa thêm vào phụ cấp tiền lương hàng tháng. Bà Nguyễn Thị Bích Hường khẳng định, điều chỉnh giá có tác động nhưng không nhiều đến người bệnh BHYT. Nhưng cái lợi nhiều nhất đó là đáp ứng kỳ vọng của người bệnh về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh./.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo baohiemxahoi.gov.vn)