Chính sách bảo hiểm thất nghiệp doanh nghiệp cần biết

Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là chính sách lớn của Đảng và nhà nước, thể hiện tính nhân văn, tinh thần đoàn kết của người lao động (NLĐ) và chủ người sử dụng lao động (NSDLĐ) đối với những NLĐ mất việc.

Bảo hiểm thất nghiệp được hiểu là biện pháp để giải quyết tình trạng thất nghiệp, nhằm trợ giúp kịp thời cho những người thất nghiệp trong thời gian chưa tìm được việc làm và tạo cơ hội cho họ học nghề, tìm kiếm công việc mới. BHTN có vai trò rất quan trọng đối với NLD, NSLĐ và Nhà nước.

Trước đây BHTN được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội, nay Luật việc làm 2013 được ban hành có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 đã dành riêng hẳn một Chương quy định về Bảo hiểm thất nghiệp trên cơ sở kế thừa các quy định về bảo hiểm thất nghiệp của Luật bảo hiểm xã hội và sửa đổi, bổ sung các quy định để đảm bảo phù hợp với tình hình mới. Các quy định liên quan đến BHTN trong Luật việc làm bao gồm: đối tượng, chế độ bảo hiểm thất nghiệp; Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ; Trợ cấp thất nghiệp; Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề; Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thẻ như sau:

1. Đối tượng tham gia BHTN

Điều 43 Luật Việc làm quy định về đối tượng phải tham gia BHTN như sau:

NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng; và mọi người sử dụng lao động. Trong trường hợp NLĐ giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động thì NLĐ và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia BHTN. Riêng đối với NLĐ trên đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia BHTN.

NSDLĐ tham gia BHTN bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động.

2. Mức đóng

NLĐ đóng bằng 1% tiền lương tháng. NSDLĐ đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những NLĐ đang tham gia BHTN. Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những NLĐ đang tham gia BHTN và do ngân sách trung ương bảo đảm.

3.Tiền lương làm căn cứ đóng BHTN

Theo quy định tại Điều 58 Luật việc làm thì  Người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội. Trường hợp mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cao hơn hai mươi tháng lương tối thiểu vùng thì mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng hai mươi tháng lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp

4. Điều kiện hưởng

Theo quy định tại Điều 49 Luật việc làm, NLĐ đang đóng BHTN được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

– Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:  NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

– Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật việc làm; đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật việc làm

-Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

– Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN, trừ các trường hợp sau đây: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;  Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;  Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;  Chết.

5.Quyền lợi NLĐ được hưởng

5.1. Trợ cấp thất nghiệp 

a. Mức trợ cấp thất nghiệp:

Điều 50 Luật việc làm quy định cức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với NLĐ đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

 b. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp:

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng. Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật Việc làm.

d. Thời hạn nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp:

Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, NLĐ chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp chotrung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi NLĐ muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.

NLĐ được ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ hoặc gửi hồ sơ theo đường bưu điện nếu thuộc một trong các trường hợp sau:  Ốm đau, thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;  Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền;  Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, song thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.

Ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp nêu trên là ngày người được ủy quyền trực tiếp nộp hồ sơ hoặc ngày ghi trên dấu bưu điện đối với trường hợp gửi theo đường bưu bưu điện.

e)Chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp

Theo quy định Điều 53 Luật việc làm thì NLĐ bị chất dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp: Hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp; NLĐ tìm được việc làm; Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;  Hưởng lương hưu hằng tháng;  Sau 02 lần từ chối nhận việc làm do trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp giới thiệu mà không có lý do chính đáng; Không thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định tại Điều 52 của Luật Việc làm trong 03 tháng liên tục; Ra nước ngoài để định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;  Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;  Bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật BHTN; Chết; Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;  Bị tòa án tuyên bố mất tích; Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù.

5.2. Hỗ trợ học nghề:

Đối tượng được hỗ trợ học nghề theo quy định tại Điều 55 Luật Việc làm có nhu cầu học nghề được hỗ trợ 1 lần để học  1 nghề tại cơ sở dạy nghề, bao gồm:  NLĐ đang đóng BHTN bị chấm dứt hợp đồng lao động, đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm và chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ;  Đã đóng BHTN từ đủ 9 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật;

Thời gian hỗ trợ học nghề theo thời gian học nghề thực tế nhưng không quá 06 tháng. Mức hỗ trợ học nghề tối đa 01 (một) triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế theo quy định của cơ sở dạy nghề.

Trường hợp NLĐ tham gia khóa học nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở dạy nghề thì số ngày lẻ đó được tính tròn là 01 (một) tháng để xác định mức hỗ trợ học nghề. Đối với NLĐ tham gia BHTN tham gia khóa học nghề có mức chi phí học nghề cao hơn mức hỗ trợ học nghề thì phần vượt quá mức hỗ trợ học nghề do NLĐ tự chi trả.

5.3.Quyền lợi khác:

Ngoài các quyền lợi nêu trên, NLĐ còn đưởng hưởng các quyền lợi sau: Được hưởng chế độ BHYT trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp; Được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; Được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ./.

Như vậy có thể nói thực hiện tốt chính sách BHTN sẽ mang lại lợi ích cho cả NLĐ, NSDLĐ và Nhà nước.Đối với NLĐ, BHTN vừa giúp đỡ họ ổn định cuộc sống khi bị mất việc làm thông qua việc trả TCTN vừa tạo cơ hội để họ có thể tiếp tục tham gia thị trường lao động. Tạo ra chỗ dựa về vật chất và tinh thần cho NLĐ khi lâm vào tình trạng mất việc làm.. Đối với NSDLĐ, gánh nặng tài chính của họ sẽ được san sẻ khi những NLĐ tại doanh nghiệp bị mất việc làm, họ không phải bỏ ra một khoản chi lớn để giải quyết chế độ cho NLĐ. Đặc biệt, trong những thời kỳ khó khăn, buộc phải thu hẹp sản xuất, nhiều NLĐ thất nghiệp. Đối với nhà nước, ngân sách nhà nước sẽ giảm bớt chi phí khi nạn thất nghiệp gia tăng trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, tạo sự chủ động về tài chính cho nhà nước.

theo doannghiepvn.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.