Chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội: Cần xử lý hình sự

Ngày 28/5, tại cuộc đối thoại trực tuyến với chủ đề “Bảo hiểm xã hội – An toàn quỹ vì người lao động”, bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH VN) cho rằng nếu BHXH VN được trao quyền thanh tra thì nhiều vấn đề vi phạm về BHXH sẽ được giải quyết, việc nợ đóng BHXH sẽ được hạn chế tối đa.


Tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội của nhiều đơn vị gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Ảnh: Ngọc Châu

Chỉ một nửa doanh nghiệp đóng BHXH

Bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc BHXH VN xác nhận, hiện có tình trạng nợ đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm tự nguyện tính đến hết tháng 3/2014 lên đến 11.000 tỷ đồng; trong đó, có nhiều đơn vị để nợ kéo dài gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Còn ông Trần Đình Liệu, Trưởng Ban thu BHXH VN cho biết, số đơn vị đăng ký thành lập doanh nghiệp là khoảng trên 500.000 doanh nghiệp nhưng thực tế có khoảng 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong số này chỉ có 150.000 doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội. Như vậy, còn 50% doanh nghiệp không tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Thống kê của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy số đối tượng có quan hệ lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc là khoảng 16 triệu người, trong khi số lượng người lao động tham gia BHXH mới chỉ có 11 triệu người, còn trên 5 triệu người thuộc đối tượng bắt buộc nhưng chưa tham gia tương ứng số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế lên tới 56.000 tỷ đồng/năm.

Về chính sách BHXH hiện nay, ông Trần Đình Liệu cho biết: sau 7 năm thực hiện, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đi vào cuộc sống, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế, cụ thể là: việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH còn chậm, đặc biệt là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH xảy ra phổ biến, đặc biệt ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm trên 70% tổng số nợ), làm ảnh hưởng nguồn thu quỹ BHXH và quyền lợi của người lao động.

Nợ đọng, nộp muộn: phạt lãi nặng!

Các đại biểu cho rằng, những kẽ hở về luật pháp đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng BHXH nhưng không bị xử phạt thích đáng. Thậm chí, số tiền chậm đóng còn được sử dụng như một nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp vì lãi chậm đóng thấp hơn lãi suất khi đi vay vốn từ các ngân hàng.

Hiện nay, những vi phạm trong việc chậm đóng, nợ đóng BHXH mới chỉ được quy định là hành vi vi phạm hành chính với mức xử phạt không có sức răn đe.

Vì vậy, các đại biểu tham dự tọa đàm đề nghị, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội cần sửa theo hướng nâng mức lãi phạt chưa đóng, chậm đóng bằng 2 lần lãi suất liên ngân hàng; tăng mức xử phạt hành chính đối với vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội; BHXH có quyền phát mại tài sản khi doanh nghiệp phá sản hoặc bỏ trốn…

Theo ông Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH VN, hiện nay, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội có khoảng 500 cán bộ thanh tra, ngành Y tế có khoảng 300 cán bộ thanh tra thực hiện chức năng thanh tra trên nhiều lĩnh vực, trong đó, thanh tra về BHXH chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.

Bà Nguyễn Thị Minh đề xuất, trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi nên trao cho cơ quan BHXH có quyền thanh tra và xử phạt các trường hợp vi phạm pháp luật về đóng, hưởng BHXH. Bà Minh cho rằng nếu BHXH Việt Nam được trao quyền thanh tra thì nhiều vấn đề vi phạm về bảo hiểm xã hội sẽ được giải quyết, việc nợ đóng BHXH sẽ được hạn chế tối đa.

Tổng Giám đốc BHXH VN Nguyễn Thị Minh đề nghị phải quy định tội chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động vào Bộ luật Hình sự, chứ không đơn thuần là vi phạm hành chính mới đủ sức răn đe và đề xuất trao quyền phát mại tài sản khi doanh nghiệp phá sản hoặc bỏ trốn… cho cơ quan BHXH để xử lý chế độ bảo hiểm cho người lao động.

Nguồn Báo Tiền Phong

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.