VOV.VN – Hiện nay, một bộ phận người cao tuổi đang gặp nhiều khó khăn, thiệt thòi, cần được bảo vệ quyền lợi bởi các cơ sở pháp lý.
Sáng 15/6, Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam tổ chức hội thảo về vấn đề “Góp ý dự thảo Công ước Quốc tế về quyền của Người cao tuổi”.
Trước bối cảnh một bộ phận người cao tuổi đang gặp nhiều khó khăn vì những lý do khác nhau, hội thảo với mong muốn tạo sự đồng thuận giữa các bộ, ban, ngành để kiến nghị lên Liên hợp quốc nhằm phê chuẩn công ước quốc tế về quyền cho người cao tuổi (NCT). Từ đó, tạo cơ hội cho người cao tuổi có cuộc sống tốt hơn, nhận được sự quan tâm đúng mức hơn.
Hội thảo “Góp ý dự thảo Công ước Quốc tế về quyền của Người cao tuổi”. |
Bà Phạm Tuyết Nhung, Phó ban Đối ngoại hội Người cao tuổi Việt Nam, cho biết: “Trên thế giới, cứ 3 NCT thì có 1 người bị ngược đãi. Tại Việt Nam, 23.5% NCT sống trong khó khăn, nghèo đói, 73% không có lương hưu, sống phụ thuộc vào con cháu, 80.000 NCT sống cô đơn, không nơi nương tựa…”. Từ đó, hội NCT Việt Nam cũng đưa ra một số ý kiến đóng góp cho công ước như: đề nghị Chính phủ, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành ủng hộ việc hoàn thiện hệ thống pháp lý về NCT của Liên hợp quốc; Hội cũng mong muốn nhận được sự giúp đỡ từ phía các Bộ, ban, ngành tham gia góp ý, ủng hộ công ước quốc tế bảo vệ NCT.
Bà Phạm Tuyết Nhung – Phó ban Đối ngoại hội Người cao tuổi Việt Nam. |
Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Mạnh Hùng – Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội nêu ra 3 vấn đề cần quan tâm hiện nay: “Nhiều NCT thuộc diện hưởng chính sách nhưng do không có giấy tờ pháp lý chứng minh (CMTND, giấy khai sinh…) nên không được hưởng. NCT neo đơn, đủ điều kiện vào các trung tâm bảo trợ xã hội nhưng không được vào do các tỉnh không đảm bảo đủ chính sách cho NCT. Tại một số tỉnh, NCT không được hỗ trợ về mặt việc làm như: không thể vay vốn ngân hàng, thường phải nhờ dưới tên Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh…. Bên cạnh đó, chỉ có 60% NCT trên cả nước có thẻ BHYT, thấp hơn nhiều so với con số 73% người dân được cấp thẻ BHYT”. Cũng theo ông Hùng, điều này cho thấy công tác quản lý còn lỏng lẻo, NCT rất cần cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Ông Đỗ Mạnh Hùng – Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội phát biểu tại hội thảo. |
Trong khuôn khổ buổi hội thảo, các đại biểu từ các tỉnh, thành lần lượt đưa ra ý kiến thảo luận về việc ủng hộ Công ước quốc tế về Quyền của NCT và nêu ra góp ý cụ thể về nội dung Công ước. Đại biểu Đặng Viết Loan (Chủ tịch Hội NCT xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) cho rằng: Hiện nay, tinh thần và đời sống vật chất của NCT đã có nhiều thay đổi tích cực, sự chăm sóc từ xã hội tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều trường hợp gặp khó khăn (đặc biệt về kinh tế). Bên cạnh đó, NCT vẫn bị coi thường, phân biệt đối xử, chịu nhiều thiệt thòi. Vì vậy, đại biểu mong muốn tất cả các ngành cùng vào cuộc giúp bảo vệ quyền cho NCT. Cần bồi dưỡng cho các cán bộ để chính quyền có đội ngũ tham mưu tốt, chất lượng.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Trai – Nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu hỗ trợ NCT, thể hiện nguyện vọng: Nên thực hiện xây dựng các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, đặc biệt tại các cơ sở, để bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về NCT.
Lắng nghe ý kiến của các vị đại biểu, ông Vũ Xuân Quang, đại diện Bộ Ngoại giao nhận định: Thế mạnh của Việt Nam là công tác an sinh xã hội tốt. Việt Nam nên ủng hộ ra Công ước Quốc tế về Quyền của NCT. Tuy nhiên, Công ước cần phù hợp với tình hình chung, không làm ảnh hưởng đến những quyền khác (quyền trẻ em, quyền bình đẳng…). Một số ý kiến đóng góp cho Công ước cần được thảo luận lại kỹ lưỡng và hợp lý hơn như: quyền xác định giới tính và thể hiện giới tính, quyền được tham gia làm việc và có việc làm… để nhận được sự đồng thuận cao.
Trung ương Hội NCT tin tưởng rằng một Công ước Quốc tế mới về Quyền của NCT sẽ là phương thức hiệu quả nhất đảm bảo NCT trong giai đoạn hiện nay và sau này được hưởng đầy đủ các quyền con người và quyền của NCT bình đẳng với các lứa tuổi khác./.
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo vov)