Đây là tỷ lệ chưa đạt với kỳ vọng của các ngành chức năng. Đáng lo ngại hơn là thời gian tới, khi nguồn kháng virus HIV do các tổ chức quốc tế tài trợ sẽ bị cắt giảm.
Cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Y tế nước ta đã hướng dẫn thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với người nhiễm HIV và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS. Trong đó, quy định: thuốc ARV và một số dịch vụ khám, chữa bệnh đối với bệnh nhân HIV/AIDS sẽ được bảo hiểm y tế chi trả. Từ thời điểm ấy, đã có nhiều cơ sở điều trị HIV tích cực vận động người có ‘H’ tham gia bảo hiểm y tế, nhưng kết quả vẫn chưa như mong muốn. Nhiều người bệnh vẫn mang tâm lý trông chờ, vì từ trước tới nay từ khâu xét nghiệm, đến thuốc kháng virus và cả điều trị dự phòng bệnh nhiễm trùng cơ hội, họ luôn được miễn phí.
Bác sĩ Nguyễn Danh Lam, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS TP.Cần Thơ khuyến nghị: ‘Nguồn thuốc này sẽ bị cắt giảm trong thời gian sớm chứ không lâu dài nữa, người nhiễm HIV nên tìm hiểu về mức đóng BHYT, quyền lợi được hưởng… Hiện nay việc mua BHYT bắt đầu có cải cách, không phải bắt buộc mua cả gia đình, mà mua theo khả năng. Tôi nghĩ người bị nhiễm HIV nên mua trước’.
Hiện có nhiều phác đồ đang được áp dụng điều trị cho người nhiễm HIV, trong đó tiền thuốc của các phác đồ bậc 1 từ 180.000 đồng-1.400.000 đồng/ tháng/người. Còn phác đồ bậc 2, tiền thuốc cho một ca điều trị, thấp nhất cũng là 1.800.000 đồng/tháng. Rõ ràng, khi không còn được cấp thuốc miễn phí, người nhiễm HIV nếu không tham gia bảo hiểm y tế thì sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Tham gia bảo hiểm y tế là cách giúp người có ‘H’ tiếp cận được với thuốc liên tục và bền vững. Ngoài tăng cường công tác truyền thông, Bộ Y tế và cơ quan Bảo hiểm xã hội đang thảo luận để trình Chính phủ xem xét về cơ chế đặc thù, khuyến khích người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo vtv.vn)