Chạy theo tiêu chí “ngon, bổ, rẻ”, doanh nghiệp bảo hiểm đang hụt hơi

Mùa đại hội đồng cổ đông doanh nghiệp bảo hiểm năm nay, câu chuyện lỗ nghiệp vụ chưa thể bớt nóng, bởi tình trạng cạnh tranh bán bảo hiểm một cách phi kỹ thuật hòng có doanh thu bằng mọi giá vẫn tồn tại.

Theo Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia (VNR), năm 2017, cạnh tranh bằng phương thức hạ phí, mở rộng điều kiện/điều khoản bảo hiểm, gia tăng chi phí khai thác dịch vụ, các hạn chế về đánh giá và kiểm soát rủi ro vẫn đang là vấn đề nhức nhối của thị trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh nghiệp vụ.

“Toàn thị trường có 29 công ty bảo hiểm phi nhân thọ nhưng năm 2017 chỉ có số ít các công ty có lãi nghiệp vụ, số lãi rất khiêm tốn so với doanh số phí bảo hiểm/thu nhập phí. Tỷ lệ chi phí kết hợp sát nút 100% hoặc cao hơn’”, lãnh đạo VNR cho biết.

Tỷ lệ chi phí kết hợp là tổng các loại chi phí tính trên doanh thu phí bảo hiểm gốc. Nếu tỷ lệ này đạt trên 100%, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp lỗ từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Trong khi đó, cũng theo nhà tái bảo hiểm này, xu hướng bồi thường gia tăng vẫn rất khó kiểm soát và đang ở mức cao so với thu nhập phí. Nghiệp vụ bảo hiểm tài sản, thân tàu, xe cơ giới phổ biến có tỷ lệ chi phí kết hợp trên 100%. Tỷ lệ bồi thường của bảo hiểm kỹ thuật cũng đang có xu hướng gia tăng mạnh.

Tại PTI, trong báo cáo trình cổ đông, ông Bùi Xuân Thu, Tổng giám đốc Công ty cho biết, năm 2018, nỗi lo về tổn thất và tỷ lệ bồi thường đối với những nghiệp vụ có “tiền sử” bồi thường cao như xe cơ giới, sức khỏe hay bảo hiểm cháy nổ chưa hết, trong khi thiên tai bất ngờ cùng chi phí tăng cao do cạnh tranh không lành mạnh vẫn là các mối nguy cơ làm cho các doanh nghiệp bảo hiểm lỗ kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm. Do đó, dẫu thị trường có nhiều tín hiệu tích cực cũng khó kỳ vọng vào một sự tăng trưởng đột phá cho thị trường bảo hiểm trong năm nay.

Theo tờ trình cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông ngày 12/4, năm 2018, PTI chỉ đặt kế hoạch lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm là 1,5 tỷ đồng; trong khi năm 2017 đạt 21 tỷ đồng. Công ty cũng coi việc kiểm soát chặt tình hình bồi thường nhằm đảm bảo hiệu quả kinh doanh, đặc biệt là nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần làm trong năm nay.

Còn tại PJICO, trong báo cáo Tổng giám đốc trình Đại hội đồng cổ đông, năm 2017, riêng tổn thất thiên tai bão lũ liên tiếp đã khiến hãng này thiệt hại số tiền ước khoảng 130 tỷ đồng. Kết cục, bồi thường bảo hiểm gốc năm 2017 là 1.327 tỷ đồng, chiếm 50,8% doanh thu bảo hiểm gốc, tăng 9% so với năm trước. Tuy nhiên, nhờ có lãi từ hoạt động tài chính bù đắp, kết quả chung cuộc, PJICO vẫn đạt lợi nhuận trước thuế 156,35 tỷ đồng, tăng trưởng 24,7% so với năm 2016.

Tại một số doanh nghiệp bảo hiểm khác, lãnh đạo công ty cũng thể hiện quyết tâm thúc đẩy các hoạt động kinh doanh nhắm tiến tới hòa vốn hoạt động bảo hiểm lõi và có lãi. Cụ thể, quản lý chặt đối với sản phẩm bảo hiểm sức khỏe (health care) đang có tốc độ tăng trưởng doanh thu cao, nhưng tiềm ẩn không ít rủi ro trục lợi. CEO một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, năm 2018, công ty của ông sẽ dừng việc cấp đơn bảo hiểm sinh mạng cho người già trên 65 tuổi, dừng cấp đơn bảo hiểm chăm sóc sức khỏe trẻ em (children care) do nguy cơ mất kiểm soát với sản phẩm này là không nhỏ.

Dẫu vậy, theo các chuyên gia trong ngành, chừng nào còn cạnh tranh bán bảo hiểm một cách phi kỹ thuật hòng có doanh thu bằng mọi giá, thì chừng đó chuyện lỗ nghiệp vụ bảo hiểm sẽ chưa thể bớt nóng, kéo theo hệ lụy là chất lượng phục vụ khách hàng khó lòng cải thiện.

“Trong kinh doanh bảo hiểm, khó có thể xuất hiện khái niệm “ngon, bổ, rẻ” như nhiều sản phẩm hàng hóa thông thường khác, do còn liên quan đến trách nhiệm bồi thường sau này, ngoài trừ trường hợp số lượng người tham gia bảo hiểm tăng theo kiểu mua buôn nên được hưởng mức giá tốt. Do đó, nếu mải chạy theo tiêu chí “ngon, bổ, rẻ” của khách hàng thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ hụt hơi”, lãnh đạo một công ty bảo hiểm cho hay.                       

Kim Lan
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.