Chật vật sống với đồng lương công nhân: Cần xét kỹ đề xuất của tổ chức công đoàn

Tìm hiểu trực tiếp tại các KCN-CX và khu nhà trọ của CNLĐ, chúng tôi nhận được kiến nghị: CĐ là tổ chức bám sát NLĐ nhất, bởi các CB CĐ luôn đồng hành cùng với NLĐ và DN, họ nắm rõ được diễn biến tình hình việc làm, đời sống của NLĐ và hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, do đó ý kiến của tổ chức CĐ trong việc góp ý điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) là chính xác và phù hợp với đời sống của NLĐ.

Các đề xuất của CĐ phù hợp với đời sống NLĐ
 
Hiện các DN thuộc địa bàn TP.Nam Định và huyện Mỹ Lộc (tỉnh Nam Định) thực hiện mức LTT vùng II là 2,75 triệu đồng/tháng; các DN thuộc địa bàn các huyện còn lại thực hiện mức LTT vùng III là 2,4 triệu đồng/tháng làm căn cứ tính trả lương cho NLĐ. Ông Trần Trọng Thái – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nam Định – cho biết: “Nhìn chung tiền LTT vùng năm 2015 còn thấp, chưa tương xứng với sức LĐ bỏ ra, mới đáp ứng được khoảng 70-75% mức sống tối thiểu, NLĐ không có tích lũy phòng khi ốm đau, mất việc làm. Bên cạnh đó giá điện, nước leo thang, giá thuê nhà, viện phí và một số mặt hàng thiết yếu cũng tăng đáng kể, dẫn đến đời sống của NLĐ càng khó khăn”. Hơn nữa, có thực trạng một số DN khi thực hiện điều chỉnh LTT vùng lại cắt giảm một số loại phụ cấp ngoài lương của NLĐ, chính vì vậy thu nhập thực tế của NLĐ không tăng đáng kể.
 
Ông Huỳnh Tấn Tài – Chủ tịch CĐ Cty Hong IK Vina (KCX Tân Thuận, TPHCM) – đưa ý kiến: “LTT là mức lương thấp nhất theo quy định. Hiện nay, mức LTT đang áp dụng chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Như vậy, chúng ta chưa thực hiện đúng được như pháp luật quy định”.
 
Lương thấp không thu hút được CNLĐ
 
Giám đốc một Cty may ở TPHCM có trên 2.500 CN nhìn nhận, nếu DN chỉ trả LTT 3,1 triệu đồng/tháng sẽ không thu hút được CN. Tuy nhiên, thực tế DN vẫn chỉ trả mức LTT cao hơn quy định chút xíu để lách việc phải đóng BHXH trên tiền lương cao, còn lại DN sẽ bù thu nhập cho NLĐ bằng cách trả các khoản phụ cấp, điều này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của NLĐ khi nghỉ hưu vì phải nhận lương hưu thấp.
 
Theo Điều 90 Bộ luật LĐ 2012, tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể nào về các khoản phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác DN sẽ phải ghi trong HĐLĐ và trả cho NLĐ và làm cơ sở để đóng BHXH. Trong khi đó, đối với các Cty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu có hẳn Thông tư 17/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn xây dựng thang, bảng lương, phụ cấp và chuyển xếp lương đối với NLĐ, trong đó có quy định cụ thể 7 loại phụ cấp lương. “Bản thân chúng tôi cũng muốn trả lương cao hơn cho NLĐ, vì thấp quá họ khó sống, khó gắn bó với DN, năng suất, chất lượng làm việc khó cao. Nhưng chúng tôi cũng cần có cơ sở pháp lý để trình với HĐQT, các cổ đông quyết định, vì không phải giám đốc nào cũng là ông chủ, mà chỉ là người làm thuê cho những người khác” – vị giám đốc chia sẻ.
 
Theo bà Trương Thị Bích Hạnh – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương – mức LTT hiện nay chỉ đáp ứng được 65% nhu cầu tối thiểu. Theo lộ trình, đến hết năm 2017, LTT phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Như vậy, nếu tính một cách cơ học, đơn giản nhất, mỗi năm tăng LTT một lần, trong hai năm 2016, 2017 phải tăng thêm 35% nữa mới đáp ứng nhu cầu tối thiểu của NLĐ. Bình quân mỗi năm phải tăng 17,5%, nếu năm nay tăng thấp, phải dồn cho năm sau cao hơn, điều này có thể gây khó khăn cho DN nếu không có tính toán hợp lý. “Tăng LTT năm nay khoảng 17-18% là hợp lý và các khoản như phụ cấp thâm niên, trình độ, tay nghề và các khoản mang tính thường xuyên khác phải được ghi vào HĐLĐ để DN chi trả cho NLĐ” – bà Hạnh kiến nghị.
 
Kiến nghị này là hợp lý, bởi theo khảo sát của PV Báo Lao Động, thực tế hiện nay hầu hết các DN ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai đều trả lương cơ bản cao hơn mức LTT từ 200.000 – 500.000 đồng. Như vậy, nếu năm 2016, mức LTT chỉ tăng bình quân 10% (230.000 – 310.000 đồng) cũng chỉ bằng hoặc thấp hơn mức lương cơ bản mà các DN đang áp dụng.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo laodong.com.vn)
Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.